Nỗ lực và kết quả

Thời điểm kết thúc năm 2021, toàn tỉnh có 299 xã/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 72,74%; 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 5,02% xã đạt chuẩn nông thôn mới); 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 7 đơn vị cấp huyện, gồm thành phố Vinh, thị xã Thái Hoà, thị xã Hoàng Mai và các huyện Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

bc86b31d6797bec9e786.jpg
Bộ mặt nông thôn mới xã Hoà Sơn, huyện Đô Lương

Bước vào năm 2022, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các địa phương chỉ đạo quyết liệt với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Như xã Hoà Sơn, huyện Đô Lương đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Chia sẻ kinh nghiệm trong chỉ đạo, đồng chí Thái Doãn An – Phó Bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch UBND xã Hoà Sơn cho biết: Đại dịch Covid-19 tác động rất lớn đến việc làm, thu nhập và đời sống của đại đa số Nhân dân; song địa phương gắn trách nhiệm từng tổ chức, đơn vị và cá nhân trong chỉ đạo, sâu sát cơ sở, người dân để tuyên truyền, vận động, gắn với kêu gọi, tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em xa quê; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Xã cũng xác định rõ các nội dung, công việc để chỉ đạo, hướng dẫn người dân vào cuộc. Do vậy, dù chưa có xi măng hỗ trợ của tỉnh, các khu dân cư đã chủ động huy động sức dân mở rộng đường bê tông, nâng cấp nhà văn hoá, làm đường hoa, đường cờ, tạo cảnh quan môi trường nông thôn “Sáng – xanh - sạch - đẹp – an toàn”.

Ngoài Hoà Sơn, các xã Tràng Sơn, Đông Sơn, Tân Sơn cũng nỗ lực để hoàn thành các nội dung nông thôn mới nâng cao. Ở phạm vi cấp huyện, Đô Lương quyết tâm đạt huyện nông thôn mới trước 01 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Hiện nay, huyện đang tiến hành các thủ tục trình tỉnh thẩm định. Theo chia sẻ của đồng chí Trần Văn Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, xác định mục tiêu phấn đấu hoàn thành nông thôn mới trong năm 2022, nên từ đầu năm, cấp uỷ, chính quyền huyện chỉ đạo quyết liệt, giao trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban, tổ chức, cơ quan, đơn vị, đoàn thể cấp huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện các tiêu chí; đồng thời gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cấp huyện và các xã trong chỉ đạo. Hàng tháng, hàng quý cấp uỷ, chính quyền huyện đều nghe tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, tháng 3/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định bộ tiêu chí mới về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao với nhiều tiêu chí, nội dung tăng lên và độ khó cao hơn, huyện đã chủ động làm việc với các sở, ngành và UBND tỉnh nhằm tranh thủ ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để hoàn thành.

Cùng với huyện Đô Lương, trong năm 2022, huyện Diễn Châu cũng tập trung chỉ đạo 3 xã cuối cùng, gồm Diễn Vạn, Diễn Bích, Diễn Đoài về đích nông thôn mới và hoàn thành các tiêu chí cấp huyện. Cách làm của Diễn Châu, bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân đóng góp nguồn lực, công sức xây dựng nông thôn mới, địa phương cũng tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, mở mang ngành nghề, dịch vụ, gắn với chỉ đạo xây dựng các mô hình kinh tế mới, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân xây dựng nông thôn mới. Huyện có cơ chế đặc thù cho một số xã khó khăn, huy động cả hệ thống chính trị cấp huyện cùng đồng hành vào cuộc trong từng tiêu chí cấp huyện và các xã chưa về đích nông thôn mới.

5ef3367fdcf505ab5ce4.jpg
Bộ mặt nông thôn mới xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu

Có thể khẳng định, chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được các địa phương trong tỉnh chỉ đạo tích cực và tạo ra được nhiều kết quả đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, cải thiện bộ mặt nông thôn. Đặc biệt, thông qua xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm mang tính truyền thống, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, trở thành các sản phẩm có giá trị hàng hoá, lan toả thương hiệu, trong đó có hơn 250 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 – 4 sao; đồng thời tạo ra phong trào cải tạo vườn tạp thành vườn có giá trị kinh tế, xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm nông sản hàng hoá cung cấp cho thị trường với hơn 240 vườn chuẩn nông thôn mới. Mặt khác, thông qua chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh (chiếm khoảng 30% tổng chi phí đầu tư công trình giao thông, còn 70% người dân đóng góp), toàn tỉnh đã có hơn 10.000 km đường giao thông được cứng hoá bê tông.

Một số khó khăn đặt ra

Năm 2022, trên cơ sở chỉ tiêu HĐND tỉnh, toàn tỉnh có 10 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới; 27 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Theo báo cáo từ Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh, chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2022 đạt 100% chỉ tiêu HĐND tỉnh giao với 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt chuẩn nông mới kiểu mẫu; 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gồm Đô Lương và Diễn Châu.

21821903fd8924d77d98.jpg
Huy động sức dân nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn tại xã Thanh Long, huyện Thanh Chương

Kết quả đạt được nêu trên cho thấy sự nỗ lực lớn từ các địa phương, bởi bên cạnh tác động của dịch Covid-19 những tháng đầu năm, làm ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn lực thì Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 (có hiệu lực từ ngày 8/3/2022) với nhiều nội dung được bổ sung và yêu cầu độ khó cao hơn.

Dự kiến đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 đơn vị cấp huyện được công nhận và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới; như vậy cả tỉnh còn hơn 100 xã, chủ yếu tập trung ở 11 huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế người dân còn khó khăn, hệ thống giao thông cần đầu tư lớn – đây là tiêu chí cần nhiều nguồn lực nhất trong xây dựng nông thôn mới. Như xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương) tổng số chiều dài phải đầu tư cứng hoá bê tông là hơn 40 km; hay như xã Nghĩa Lộc (huyện Nghĩa Đàn), xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp)… cũng có phản ánh tương tự. Huyện Quế Phong hiện đang “trắng” xã nông thôn mới. Đối với các địa phương vốn đã khó khăn và khi chưa đăng ký về đích nông thôn mới thì không được hỗ trợ xi măng lại càng khó khăn. Bởi vậy, một số địa phương kiến nghị tỉnh cần nghiên cứu hỗ trợ xi măng cho cả các xã không đăng ký về đích xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trong năm để các đơn vị có thể triển khai từng bước; đồng thời cần có sự linh hoạt trong hỗ trợ, không nên cào bằng về chính sách, xã thuận lợi cũng như xã khó khăn.

24fd10ecf86621387877.jpg
Lãnh đạo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh kiểm tra xây dựng nông thôn mới tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong

Giải pháp cho các vấn đề nêu trên, theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Hằng – Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Nghệ An, liên quan đến chính sách và nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, hiện tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt để có cách làm nhanh nhất có thể. Về trách nhiệm của các địa phương cần đề ra các giải pháp, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo hơn trong chỉ đạo, đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo lộ trình. Riêng các xã khó khăn thì cần xác định mục tiêu phù hợp, ưu tiên thực hiện các tiêu chí dễ, ít kinh phí, không nên trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn phân bổ từ cấp trên; đồng thời cần có những điều chỉnh về cách làm, cơ chế, chính sách để thực sự đảm bảo vai trò chủ thể của người dân nông thôn và cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hướng tới sự phát triển hài hòa, bền vững; cần lồng ghép các nguồn lực để đảm bảo hiệu quả cao trong xây dựng nông thôn mới…