Cơ sở để đưa ra nhận định này là bởi có nhiều động lực sẽ trở thành cú hích tạo đà cho tăng trưởng, trong đó đáng chú ý nhất là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá gần 350.000 tỷ đồng đang được xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường đầu tiên của Quốc hội Khóa XV.

Thực tế, dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng năm 2021, nước ta vẫn thu hút hơn 31 tỷ USD vốn FDI và cũng là lần đầu tiên vượt 668,5 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%. Chỉ với hai "điểm sáng" này, như nhận định của Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến thì dù đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh nhưng kinh tế nước vẫn thể hiện tiềm năng và trở thành nơi thu hút đầu tư nước ngoài cả ở hiện tại và trong tương lai.

Phân tích về vấn đề này, bà Yến dẫn chứng: Kết quả ấn tượng đầu tiên là xuất khẩu nông sản. Ngoài xuất khẩu sang thị trường truyền thống, năm qua các doanh nghiệp đã khai thác, mở rộng sang thị trường "khó tính" như Nhật Bản, Australia, Mỹ, Pháp…, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 48,6 tỷ USD. Các lĩnh vực xuất khẩu khác như dệt may, da giày cũng đạt kết quả ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách đạt hơn 17,5 tỷ USD, tăng 3,6%; dệt may ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020.

Quan điểm này cũng tương đồng với nhận định của nhiều chuyên gia rằng năm 2022 kinh tế nước ta sẽ có nhiều động lực để phát triển. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, yếu tố quyết định thuộc về các doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động có chiến lược phát triển bền vững, dài hơi thay vì tự phát, manh mún. Cụ thể, một chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn 2021-2025, nước ta sẽ triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và kinh tế số, xác định kinh tế số chiếm 20% GDP tương đương khoảng 30 tỷ USD vào năm 2025 nên các doanh nghiệp phải tích cực, khẩn trương đưa công nghệ số vào các hoạt động để khai thác có hiệu quả, lợi thế của khoa học công nghệ, thông tin cũng như quá trình chuyển đổi số.

Ý kiến khác thì nhấn mạnh, doanh nghiệp không nên phụ thuộc hoàn toàn vào các hói hỗ trợ của Chính phủ mà phải chủ động khơi thông các nguồn lực, nắm bắt các chủ trương, chính sách và có kế hoạch cụ thể trong sản xuất, kinh doanh. Cần chủ động triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ; sản xuất, kinh doanh theo đơn đặt hàng và phải kết nối thị trường theo chuỗi.

Mục tiêu tăng trưởng năm nay của nước là khoảng 6,5%. Để thực hiện được, vấn đề đầu tiên là phải phục hồi hoạt động của doanh nghiệp, phải coi việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là yêu cầu cấp bách vì chỉ có doanh nghiệp mới tạo công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Như ý kiến của một chuyên gia thì kinh tế sẽ phục hồi tốt, tăng trưởng có thể đạt 6-6,5%, thậm chí có thể cao hơn nếu triển khai tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đang thiết kế, trình Quốc hội thông qua.

Ninh Khương