Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

bna-toan-canh-7663--n1.jpg

Toàn cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát Hội đồng dân tộc của Quốc hội với UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

DIỆN MẠO KHU VỰC BIÊN GIỚI, MIỀN NÚI NHIỀU ĐỔI MỚI

Báo cáo với đoàn giám sát, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn cho biết, tỉnh Nghệ An có 27 xã của 6 huyện thuộc khu vực biên giới với 662.956 người. Những năm qua, các xã khu vực biên giới của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn khu vực này đã có nhiều đổi mới, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Hiện khu vực này 39.543 hộ nghèo, tỷ lệ 21,20%; 18.845 hộ cận nghèo, tỷ lệ 11,66%.

Đến ngày 30/6/2022, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 35 xã, trong đó, có 1 xã biên giới là xã Tam Quang, huyện Tương Dương hoàn thành nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm, nhiều công trình trọng điểm đang được thực hiện. Hạ tầng thông tin và truyền thông tiếp tục được đầu tư ở các khu vực biên giới.

bna-son-2-3636.jpg

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vi Văn Sơn báo cáo tình hình thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Phạm Bằng

Mạng lưới trường lớp học các cấp học đã được rà soát, quy hoạch, sắp xếp hợp lý, được đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh địa bàn biên giới; chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học tiếp tục có sự chuyển biến tích cực; Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố vững chắc, kiện toàn và bổ sung đội ngũ cán bộ y tế các xã vùng biên. Tình hình quốc phòng - an ninh, trật tự cơ bản được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế khu vực biên giới và coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế, giảm nghèo trên địa bàn biên giới.

bna-duc-3955.jpg

Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

bna-doi-6041.jpg

Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Tỉnh Nghệ An đánh giá, giai đoạn 2016 - 2021, nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ cho người dân vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Các mục tiêu và chỉ tiêu của chương trình, chính sách phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi hiện nay; nhiều chỉ tiêu được lượng hóa, trong đó có những chỉ tiêu đến nay đã đạt và vượt.

Với sự quan tâm của tỉnh và Trung ương thông qua các cơ chế, chính sách, hỗ trợ đầu tư, nguồn ngân sách đã tập trung đầu tư khá lớn để phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, hệ thống truyền tải điện, bệnh viện, trường học,..., góp phần cải thiện rõ rệt hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

bna-khoi-6417.jpg

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

bna-loan-3184.jpg

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hồ Thị Châu Loan phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình, chính sách chưa hoàn thành hoặc hoàn thành ở mức thấp, như: Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, việc thực hiện một số chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng kết quả đạt được còn thấp, như: Tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người,… Tỉnh Nghệ An cũng nêu lên các tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các chính sách; kiến nghị nhiều nội dung đến đoàn giám sát.

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh làm rõ các nội dung liên quan đến Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình giảm nghèo khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kết quả giảm số xã khu vực III của Nghệ An; kết quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động khu vực miền núi... Đại diện các sở, ngành của tỉnh Nghệ An đã trực tiếp trả lời, giải trình, làm rõ các nội dung mà đoàn giám sát quan tâm.

NGHỆ AN ĐÃ QUAN TÂM, NỖ LỰC TRONG ĐIỀU KIỆN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, ý kiến phát biểu của các thành viên trong đoàn giám sát đã gợi mở cho tỉnh những giải pháp thực hiện tốt hơn các chính sách. Tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ và trong thời gian tới sẽ giao các ngành, địa phương thực hiện, phát huy hiệu quả cao nhất các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

bna-chu-tich-860.jpg

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất nước, dân số đứng thứ 4, đường biên giới trên bộ dài. Mặc dù kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong thời gian qua có nhiều khởi sắc, song đối với khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn.

Thể hiện là tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi chỉ bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh, riêng các xã biên giới chưa đến 50% bình quân của tỉnh. Việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này cũng gặp nhiều khó khăn về đất sản xuất, mặt bằng, địa hình phức tạp...

Mặt khác, trong giai đoạn 2016-2021, khi thực hiện 2 Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách ở khu vực này. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt mục tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả vấn đề công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung cũng cho biết thêm, phương châm lãnh đạo của tỉnh Nghệ An đối với các huyện miền núi, biên giới thời gian qua là giữ được 3 yên: Yên dân - Yên địa bàn - Yên biên giới. Và thực tế, bộ mặt nông thôn của vùng dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An đã có nhiều tiến bộ so với các địa phương khác. Các địa phương đã bảo tồn được một số giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc; đảm bảo được chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; chăm lo tốt cho công tác giáo dục.

bna-dai-bieu-6486.jpg

Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Phân tích các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề xuất, có thể nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi thông qua hỗ trợ ưu đãi về thuế, chi phí vận chuyển.., qua đó, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân ở khu vực này.

Phát biểu kết luận, đồng chí Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Nghệ An đối với việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong tỉnh Nghệ An trong việc thực hiện chính sách dân tộc nói chung, trong đó, có chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đối với khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm khu vực này bằng việc ban hành thêm các cơ chế, chính sách mới và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả tốt.

bna-xuan-1-3792.jpg

Đồng chí Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu kết luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị tỉnh quan tâm đánh giá, làm rõ thêm các số liệu về đào tạo nghề, số lao động đi làm việc ở nước ngoài; công tác xây dựng nông thôn mới tại các xã khu vực biên giới; tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn nói chung và khu vực biên giới nói riêng; số liệu về công tác thanh, kiểm tra; kết quả triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng chí Cao Thị Xuân cho rằng, thời gian tới, Nghệ An cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa công tác triển khai chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách đối với 27 xã biên giới; triển khai đầy đủ, đồng bộ , nghiêm túc tất cả các chính sách cho khu vực biên giới. Mặt khác, các sở, ban, ngành cần chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả tất cả nguồn lực đầu tư các chương trình.