Bao gồm: dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trong chương trình Hội nghị, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào một số dự án Luật nói trên.

Toàn cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV

Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh: “Đồng tình với quy định cấm tuyệt đối về hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn”

Tham gia ý kiến góp ý dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung đồng tình với quy định cấm tuyệt đối hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu, hơi thở có nồng độ cồn. Đại biểu cho rằng, việc thực hiện cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ ảnh hưởng một phần đến phát triển kinh tế nhưng quy định này cần tiếp tục thực hiện trong thời gian khoảng năm năm nữa để thay đổi thói quen, hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, sau đó sẽ đánh giá, tổng kết và cân nhắc có cần quy định giới hạn nồng độ cồn hay không. 

Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại Hội nghị

Tham gia ý kiến về độ tuổi được điều khiển xe gắn máy, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung đề nghị hạ độ tuổi của người điều khiển xe gắn máy theo hướng quy định “Người đủ 15 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy”. Đại biểu cho rằng, tại khoản 1, Điều 58 dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật An toàn giao thông đường bộ năm 2008 và 2001 quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy. Tuy nhiên, so với 20 năm trước, hiện nay các em đã có sự thay đổi nhiều về nhận thức và thể chất và thực tế hiện nay, học sinh trung học phổ thông đa số đều sử dụng xe gắn máy để đi học. Trong khi đó các em lớp 10 hầu hết mới 15 tuổi, chưa đủ 16 tuổi. Mặt khác, theo quy định của Bộ Luật lao động thì độ tuổi được tham gia quan hệ lao động là đủ 15 tuổi. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định “Người đủ 15 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy”. Cùng với việc bổ sung quy định tại Điều 7 về giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì việc hạ độ tuổi của người điều khiển xe máy, xe gắn máy là hoàn toàn phù hợp với mong muốn của cử tri.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên TT Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Đảm bảo quyền của hành khách trong hoạt động vận tải hành khách đường bộ

Tham gia ý kiến góp ý Luật Đường bộ, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu đề cập đến quyền của hành khách trong hoạt động vận tải hành khách đường bộ, theo Đại biểu đây là nội dung có ý nghĩa rất quan trọng trong dự thảo luật này. Thời gian qua, đã có nhiều vụ việc liên quan đến quyền của hành khách khi tham gia vận tải đường bộ bị xâm phạm như các trường hợp nhồi, nhét khách; bị bán khách dọc đường, chậm, huỷ chuyến v.v… Chính vì vậy, người dân rất mong đợi dự thảo Luật Đường bộ lần này sẽ góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của hành khách.

Tuy nhiên, dự thảo Luật Đường bộ hiện nay đang quy định về quyền của hành khách trong hoạt động vận tải đường bộ tại khoản 1 Điều 60 chỉ với 3 điểm là rất mỏng, vừa chưa đầy đủ, vừa thiếu chi tiết. Quy định tại Điều này cũng thống nhất với quy định tại Điều 527 của Bộ luật Dân sự về quyền của hành khách trong hợp đồng vận tải. Theo đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bảo đảm sự thống nhất với quy định tại Điều 527 của Bộ luật Dân sự và nghiên cứu bổ sung thêm một số quyền cơ bản của hành khách, như quyền được thông tin, quyền được bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí phát sinh ngoài ý muốn trong chuyến đi,  quyền được lựa chọn các hình thức thay thế khi bị chậm chuyến, huỷ chuyến, quyền không bị phân biệt đối xử, quyền bảo mật thông tin, quyền được hỗ trợ kịp thời v.v… để bảo đảm quyền lợi của người dân khi tham gia làm hành khách của loại hình vận tải quan trọng này.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên TT Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị

Ngoài các quy định về quyền, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung vào dự thảo Luật các cơ chế để doanh nghiệp vận tải hành khách phải thực hiện nhằm bảo bảm quyền của hành khách.

Cũng liên quan đến Luật Đường bộ, Đại biểu cho rằng, các điều khoản về giao thông thông minh đang quy định một cách chung chung, chưa cụ thể. Đặc biệt, Điều 40 chủ yếu đưa ra khái niệm về giao thông thông minh và hệ thống giao thông thông minh rồi giao Chính phủ quy định chi tiết. Theo đại biểu, với cách quy định này thì chúng ta đang giao cho Chính phủ quy định rất nhiều nội dung về giao thông thông minh nhưng chưa rõ bao gồm những nội dung gì. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của nhiều nước thì việc vận hành hệ thống giao thông thông minh có liên quan nhiều đến quyền, nghĩa vụ của người dân, đặc biệt là việc thu thập thông tin, dữ liệu của các phương tiện vận tải gắn với quá trình đi lại của người dân. Theo quy định của Hiến pháp thì những nội dung này phải được quy định trong Luật. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để có những quy định cụ thể hơn về nội dung này, bảo đảm phát triển hệ thống giao thông thông minh phù hợp với sự phát triển hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh: “Đề nghị bổ sung quy định đặc thù đối với Thẩm phán công tác tại Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt”

Tham gia ý kiến góp ý dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh đề nghị điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một số Điều của dự án Luật, trong đó đề nghị Quốc hội nghiên cứu quy định về tiêu chuẩn của Thẩm phán (Điều 94) cần bổ sung về tiêu chuẩn của Thẩm phán công tác tại Tòa án Nhân dân chuyên biệt. Đại biểu dẫn luận, theo Báo cáo tiếp thu chỉnh lý của Uỷ ban Tư pháp và khoản 2 Điều 63 dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể về chuyên môn, kinh nghiệm công tác đối với Thẩm phán Tòa án chuyên biệt: "Thẩm phán công tác tại Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết, xét xử vụ án, vụ việc của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt".

Đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 94 chưa quy định rõ về vấn đề này. Đại biểu cho rằng, Thẩm phán công tác tại Toà án nhân dân chuyên biệt về trình độ chuyên môn không chỉ là "Cử nhân Luật trở lên" mà cần có các kiến thực chuyên sâu về các lĩnh vực khác. Vì vậy, Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định đặc thù đối với Thẩm phán công tác tại Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hoặc giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chuẩn của Thẩm phán công tác tại Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.

Ngoài ra, Đại biểu Trần Nhật Minh có ý kiến đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15) và đề nghị không quy định về việc bổ nhiệm  lần đầu và bổ nhiệm lại  đối với Thẩm phán Tòa án Nhân dân (Điều 100) của Dự án Luật này./.