bna-toan-canh-phien-thao-luan-to-chieu-2410-anh-phan-hau-3875.jpg

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 16. Ảnh: Phan Hậu

Thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu cơ bản đồng tình nhất trí cao Tờ trình của Chính phủ, cũng như dự thảo Luật. Theo đó, việc sửa đổi Luật này nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống rửa tiền; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bên cạnh việc kế thừa thì Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành được ban hành từ năm 2012, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động phòng, chống rửa tiền hiện nay.

Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã tham khảo, cụ thể hóa các chuẩn mực quốc tế về Phòng, chống rửa tiền trên cơ sở phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam; tham khảo pháp luật của một số quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các quy định về phòng, chống rửa tiền.

bna-z3825165564241-9e689d98cc625b3bbf534a15614965d2-5102.jpg

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 16. Ảnh: Phan Hậu

Về nội dung này, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An cũng đã trao đổi nhiều nội dung liên quan; trong đó đề nghị Chính phủ cần quy định để trong thực tế các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính báo cáo đối tượng tình nghi rửa tiền.

Cùng với đó, Thiếu tướng Trần Đức Thuận cũng cho rằng, tội phạm tham nhũng là những đối tượng nguy cơ cao phạm tội rửa tiền nên đề nghị cần nghiên cứu để Luật có những điều, khoản hướng đến đối tượng này, nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền.

Vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng nêu lên một số ý kiến liên quan đến việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước tại dự thảo luật.

Theo ông, việc quy định “khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch được nêu trong thông tin, báo cáo liên quan đến rửa tiền, trong thời hạn 10 ngày làm việc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm” là không chặt chẽ.

Ngược lại, Thiếu tướng Trần Đức Thuận cho rằng, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm cần chuyển ngay cơ quan thẩm quyền xác minh để điều tra, xác minh; đồng thời việc quy định trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong dự thảo Luật này nên dựa vào quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo sự thống nhất.

bna-dai-bieu-thai-thi-an-chung-uy-vien-bch-dang-bo-tinh-pho-truong-doan-chuyen-trach-doan-dbqh-nghe-an-phat-bieu-tai-phien-thao-luan-to-chieu-2410-anh-phan-hau-1171.jpg

Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận tại Tổ 16. Ảnh: Phan Hậu

Cũng tại phiên thảo luận, về dự thảo "Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức", các đại biểu tán thành cơ bản nội dung để triển khai áp dụng đồng bộ, thống nhất quy định của Đảng với quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; giải quyết vướng mắc, bất cập quản lý trong thực tiễn.

Cụ thể là “áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng”.

Tuy nhiên, về hình thức văn bản, theo đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An, nội dung này đưa vào thành một nội dung của Nghị quyết nội dung kỳ họp là không phù hợp, mà nên nghiên cứu ban hành theo hình thức nghị quyết riêng hoặc thành Luật sửa đổi sẽ phù hợp hơn, đảm bảo về mặt pháp lý.

bna-z3825086965472-774738c43b27371a747ed5b623036b97-6085.jpg

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu - đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 16. Ảnh: Phan Hậu

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung khác liên quan đến Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), trong đó có đề nghị nghiên cứu cách thức tổ chức việc bầu, miễn nhiệm theo hình thức bỏ phiếu kín phù hợp hơn; đồng thời kiến nghị cho phép các ĐBQH tiếp cận các thông tin, dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia ở mức độ nhất định để phục vụ công tác thẩm tra và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước…

Thành Duy - Phan Hậu