Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 16. Ảnh: Quang Phúc
LƯỢNG HÓA TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ MỨC SỐNG TẠI NƠI Ở MỚI CỦA NGƯỜI BỊ THU HỒI ĐẤT
Liên quan đến dự án luật hết sức quan trọng này, tại phiên thảo luận Tổ, ĐBQH Đoàn Nghệ An đã có nhiều ý kiến đóng góp vào nội dung dự thảo. Góp ý vào dự thảo Luật, ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phân tích, Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", của Ban Chấp hành Trung ương ghi rõ: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật vẫn có nội dung: “Dự án đô thị do Nhà nước thu hồi đất”. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng điểm này đã phù hợp với Nghị quyết số 18 chưa? Nếu thấy rằng, việc thu hồi đất của dự án đô thị do Nhà nước tiến hành là cần thiết thì phải báo cáo lại với Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh
Cùng với đó, đại biểu Đỗ Văn Chiến bày tỏ băn khoăn khi Nghị quyết số 18 đã thống nhất chủ trương là trong trường hợp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Thế nhưng, trong thể chế của dự thảo Luật vẫn chưa lượng hóa được; điều này dẫn đến việc nhân dân sẽ không thực hiện được việc giám sát.
“Chúng tôi cũng phản biện và đề nghị là phải có một quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư mới. Ví dụ, anh phải có một cái nhà ở đạt được bình quân mỗi người bao nhiều m2, phải có thu nhập ổn định bằng mức như thế nào người ta mới thực hiện được”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận tổ sáng 3/11. Ảnh: Quang Vinh
Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết số 18 của Trung ương đã chỉ rõ, cần phải đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; trong dự thảo Luật lần này cũng đã có nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu này, như đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Vấn đề này trong Luật Đất đai năm 2013 cũng đã quy định cụ thể”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An nói, tuy nhiên cho đến hiện tại vẫn chưa hoàn thành. Đây là một trong những hạn chế để đất đai trở thành nguồn lực phát triển.
Do đó, ông Hoàng Minh Hiếu đề nghị, trong dự thảo Luật lần này cần có giải pháp cụ thể như nghiên cứu thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp theo vùng; đồng thời nên dồn nguồn lực để hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai.
Cũng để đưa đất vào thị trường hiệu quả hơn, vị đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị sửa đổi Luật Đất đai lần này cần giảm các hình thức đưa đất vào thị trường (hiện nay có 3 hình thức là đấu giá để giao đất cho thuê đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; giao đất không thu tiền sử dụng đất), nên chủ yếu thông qua đấu giá. Ban soạn thảo cũng nên nghiên cứu để không chia quá nhỏ mục đích sử dụng đất, có thể chỉ tập trung quản lý chặt chẽ đất trồng lúa và đất trồng rừng sang mục đích khác, còn lại nên để tạo điều kiện cho người dân khai thác đất đai hiệu quả hơn.
Các ĐBQH Đoàn Nghệ An và các tỉnh: Tây Ninh, Phú Yên trao đổi bên lề phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Vinh
Các ĐBQH Đoàn Nghệ An trao đổi bên lề phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Vinh
Liên quan đến nội dung thảo luận, ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An cho biết: Theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì đất sử dụng cho khu kinh tế thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lại không có quy định về đất sử dụng cho khu kinh tế.
Trong khi đó, hiện nay trên cả nước có khoảng 18 khu kinh tế hoạt động hết sức hiệu quả như báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đánh giá. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35 ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó nêu rõ các chính sách về quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch của khu kinh tế.
“Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ việc bỏ quy định về chính sách đất đai sử dụng cho khu kinh tế được quy định tại Luật Đất đai 2013”, ông Trần Nhật Minh nói và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và tiếp tục giữ nguyên chế độ sử dụng đất dành cho khu kinh tế trong sửa đổi Luật lần này.
BỔ SUNG, LÀM RÕ NHIỀU NỘI HÀM TRONG DỰ THẢO LUẬT
Trên cơ sở phân tích, đối chiếu các Luật Đất đai đã ban hành, cũng như các điều luật tại dự thảo, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đề nghị sửa đổi Luật lần này cần đưa ra định nghĩa “giá đất thị trường”.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Phúc
Theo đó, cần làm rõ: Nội hàm khái niệm “giá đất thị trường” là gì? Yếu tố nào cấu thành “giá đất thị trường”? Chủ thể nào xác nhận “giá đất thị trường”? và điều này còn liên quan đến việc: Liệu việc quy định bảng giá đất 5 năm và hàng năm được xây dựng và công bố định kỳ 5 năm, hàng năm, thì có sát với giá thị trường của từng thời điểm trong năm hay không?
Vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng đề nghị bổ sung khái niệm, “Quyền sử dụng đất” vào dự thảo Luật; đồng thời liên quan đến quy định cưỡng chế thu hồi đất, cần quy định thời gian cụ thể (có thời hạn) kể từ ngày tháo dỡ, người có tài sản phải nhận và di chuyển đi nơi khác, chính quyền không chịu trách nhiệm bảo quản…tránh phát sinh thêm nhiệm vụ liên quan đến biên chế và chi phí trông coi.
Đại biểu Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh
Đại biểu Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung thêm một khoản quy định giao đất để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang, qua đó đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Nhà ở. Mặt khác, bên cạnh đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, dự thảo Luật cần bổ sung thêm đối tượng là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng thuộc diện được giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Đại biểu Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi định nghĩa về giá đất và giá trị quyền sử dụng đất trong dự thảo Luật chưa phản ánh được đầy đủ quy luật vận động của các quan hệ kinh tế về đất đai, mà trên thực tế luôn có sự tham gia của các doanh nghiệp, cá nhân đã có sự đầu tư đóng góp công sức làm tăng giá trị đất trong nền kinh tế thị trường.
Vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng phân tích những bất cập, sự khác nhau về tầm nhìn trong việc quy hoạch sử dụng đất với tầm nhìn khi thực tế ra quyết định giao đất; qua đó đề nghị việc xác định tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất cần phải nâng lên cả ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện.
Đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh
Còn đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, một trong những nội dung then chốt của Luật này là những nội dung tài chính về đất đai. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật, những vấn đề này vẫn chưa đưa ra được lời giải thực sự rõ ràng để xử lý cho những hạn chế, bất cập.
Do đó, theo đại biểu cần rà soát toàn bộ nội dung về miễn, giảm về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất như: Mức độ miễn, giảm; thời gian, phạm vi, đối tượng áp dụng;… đang được quy định tại các nghị định của Chính phủ để quy định thành các điều, khoản tại Luật nhằm đảm bảo sự rõ ràng và thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời nội dung quan trọng là các phương pháp định giá đất cũng cần được quy định rõ ràng trong Luật Đất đai sửa đổi.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Vinh
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An đánh giá, mặc dù dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dù rất dày dặn nhưng cũng có những nội dung rất phức tạp, cho nên đến hơn 50 điều là giao cho Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế trong thời gian qua khi thực hiện Luật Đất đai 2013 thì khó khăn, vướng mắc phần lớn vẫn là xuất phát từ các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trên cơ sở phân tích đó, bà Thái Thị An Chung đề nghị nghiên cứu có thể đưa các quy định hiện đang nằm trong các nghị định, thông tư vào Luật Đất đai sửa đổi lần này, để khi áp dụng vào thực tế dễ dàng hơn, đảm bảo tính thống nhất./.