bna-toan-canh-phien-thao-luan-to-16-chieu-111-cua-doan-dbqh-nghe-an-phu-yen-va-tay-ninh-anh-thu-nguyen-1067.jpg

Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 1/11 tại Tổ 16. Ảnh: Thu Nguyễn

CẦN THỐNG NHẤT ĐẦU MỐI CHỈ ĐẠO HOẠT ĐỘNG PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Liên quan đến dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đồng tình cao về sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành luật này nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân.

bna-z3846405670502-2e94813d8dcc7b6697eeb4f7398ac72c-8755.jpg

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh phát biểu thảo luận. Ảnh: TTXVN

Để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị phải đổi mới cơ cấu tổ chức, điều hành, chỉ đạo trong công tác phòng thủ dân sự từ cấp Trung ương đến địa phương trên cơ sở thống nhất một đầu mối và phân công, phân cấp rõ ràng, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, tránh trùng lặp, chồng chéo và lúng túng trong quá trình tổ chức thực thi các nhiệm vụ liên quan đến phòng thủ dân sự, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”.

bna-z3846454472350-3945f961f26060811970fe5800bc9687-1917.jpg

Đại biểu Trần Đức Thuận phát biểu thảo luận. Ảnh: TTXVN

Cũng liên quan đến dự án Luật Phòng thủ dân sự, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An cơ bản đồng tình về bố cục. Tuy nhiên còn nhiều nội dung về mặt kỹ thuật lập pháp, theo ông cần phải chỉnh sửa để không chồng chéo với các luật khác, đảm bảo hiệu quả khi thi hành.

BĂN KHOĂN QUY ĐỊNH SỐ LƯỢNG THÀNH VIÊN TỐI THIỂU HỢP TÁC XÃ

Về dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi, đại biểu Đoàn Nghệ An Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá rất cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Hợp tác xã sửa đổi để đáp ứng yêu cầu; cũng như đồng tình với việc đổi tên Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, nhằm bao phủ được tất cả yếu tố như: Tổ hợp tác xã, liên minh liên đoàn, liên hiệp hợp tác xã. Cùng với đó, đại biểu Thái Văn Thành cũng nêu ý kiến liên quan đến một số nội dung của dự án luật như: Hoạt động tín dụng; chính sách hỗ trợ của Chính phủ;…

bna-z3846361838571-55b6b5883bce43cd297c342252e1240a-9748.jpg

Đại biểu Thái Thị An Chung phát biểu thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến số lượng thành viên hợp tác xã, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An cho rằng, Luật cần phân rõ hợp tác xã phi nông nghiệp và nông nghiệp. Nếu là hợp tác xã phi nông nghiệp thì quy định như dự thảo, tức là tối thiểu 5 thành viên có thể phù hợp, nhưng với hợp tác xã nông nghiệp thì cần xem xét lại, có thể tăng lên tối thiểu 20, 30 thành viên.

Bà An Chung cũng đề nghị nâng tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia từ phần lợi nhuận giao dịch bên ngoài của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân từ tối thiểu 5% như dự thảo lên 10% để đảm bảo quỹ dự phòng cho các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp vì thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tác động của giá cả vật tư, nông sản; qua đó tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển.

bna-z3846361677855-9f6cd8b9a5a35fb52ee14028e4406417-4648.jpg

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An kết luận phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu thảo luận về vấn đề quỹ hỗ trợ hợp tác xã, ông Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn Nghệ An đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về nguồn hình thành quỹ và vai trò, chức năng của quỹ để tránh sự chồng chéo, trùng lắp với Ngân hàng Hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân; đồng thời đề nghị dự thảo Luật quy định rõ cơ quan quản lý loại quỹ này.

Ông Trần Nhật Minh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phân tích, giải trình rõ việc sửa đổi quy định mỗi hợp tác xã có tối thiểu 7 thành viên theo luật hiện hành xuống còn tối thiểu có 5 thành viên như dự thảo Luật sửa đổi.

bna-z3846361802794-a83a2670947070453e6f43a096668e3b-555.jpg

Các đại biểu tại phiên thảo luận Tổ 16. Ảnh: Hồ Long

Quan điểm của vị đại biểu Đoàn Nghệ An là không giảm số lượng thành viên, mà nên giữ nguyên như luật hiện hành là phù hợp. Bởi nếu quy định số lượng thành viên tối thiểu là 5 thì chỉ có ý nghĩa tạo điều kiện cho việc thành lập hợp tác xã nhưng ngược lại thì làm tăng tỷ lệ hợp tác xã siêu nhỏ, không khuyến khích được việc hợp tác xã giảm thành viên và tăng quy mô hoạt động.

Thành Duy - Thu Nguyễn