Các đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc. Cùng tham gia có Thiếu tướng Trần Đức Thuận – Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội; đại diện các ban HĐND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Mai Hoa
Huy động hơn 27 tỷ đồng phục vụ công tác chống dịch Covid-19
Tại cuộc làm việc, theo báo cáo từ lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ 3 nguồn: Ngân sách cấp; nguồn thu từ dịch vụ xét nghiệm Covid-19; nguồn huy động từ Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức, cá nhân.
Tổng nguồn kinh phí hơn 27 tỷ đồng. Từ các nguồn huy động, trung tâm đã phục vụ việc mua vật tư, sinh phẩm và chi hỗ trợ cho cán bộ tham gia phòng chống dịch Covid -19; trong đó nguồn từ hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân được sử dụng 100%.
Ngoài nguồn kinh phí, đơn vị cũng đã tiếp nhận nguồn tài trợ vật tư, sinh phẩm, phục vụ phòng chống dịch với tổng giá trị hơn 27 tỷ đồng.
Đồng chí Chu Trọng Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh báo cáo với đoàn giám sát về công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Mai Hoa
Cũng theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Nghệ An là địa phương tiếp nhận nhiều loại vắc-xin phòng dịch Covid-19 với 5 loại và tổng số hơn 7,3 triệu liều để tiêm cho 3 nhóm đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi; 12 đến dưới 18 tuổi và nhóm từ 18 tuổi trở lên.
Hoạt động xét nghiệm và thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19 được trung tâm triển khai theo đúng các quy định. Đặc biệt, tổng tiền thu phí xét nghiệm hơn 41 tỷ đồng được sử dụng hoàn toàn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, như mua vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, chi công tác phí, phụ cấp cho cán bộ tham gia chống dịch.
Đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị trung tâm đánh giá rõ kết quả thực hiện Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 29 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Mai Hoa
Làm rõ những vướng mắc, khó khăn
Trên cơ sở báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, người lao động của trung tâm thời gian qua, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trên địa bàn; đồng thời chia sẻ những khó khăn của đơn vị. Một số thành viên cũng đặt ra nhiều vấn đề đề nghị trung tâm làm rõ, đồng thời nêu một số băn khoăn.
Khẳng định công tác y tế dự phòng, y tế cơ sở cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm thông qua ban hành nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 29 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch, đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị trung tâm đánh giá rõ kết quả thực hiện 2 văn bản này, đặc biệt là những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập để kiến nghị tháo gỡ.
Thiếu tướng Trần Đức Thuận – Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đề nghị trung tâm từ thực tiễn để nêu rõ những vướng mắc, bất cập về quy trình, thủ tục đấu thầu trong y tế hiện nay. Ảnh: Mai Hoa
Bên cạnh đó quan tâm đến công tác quản lý đối với hoạt động các trung tâm tiêm chủng tư nhân trên địa bàn tỉnh; việc tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua có ảnh hưởng đến hoạt động tiêm chủng trên địa bàn tỉnh và các đề xuất cần rút kinh nghiệm.
Ngoài vấn đề trên, Thiếu tướng Trần Đức Thuận – Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đặt ra vấn đề việc sai phạm trong việc đấu thầu thời gian qua, vì vậy đề nghị trung tâm từ thực tiễn để nêu rõ những vướng mắc, bất cập về quy trình, thủ tục đấu thầu trong y tế hiện nay cũng như các quy định, chính sách về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch để đoàn giám sát của Quốc hội tỉnh có cơ sở kiến nghị Trung ương.
Đồng chí Chu Đức Thái - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh yêu cầu làm rõ phương án xử lý các sinh phẩm dư thừa hiện nay. Ảnh: Mai Hoa
Mặt khác việc tổ chức y tế dự phòng, y tế cơ sở hiện nay có gì vướng mắc, khó khăn; làm rõ có hay không trong quá trình xét nghiệm Covid-19, thực hiện mẫu gộp, nhưng thu tiền người dân mẫu đơn? Hiệu quả sáp nhập đơn vị hành chính sự nghiệp và việc thực hiện cơ chế tự chủ hiện nay như thế nào?
Nhiều ý kiến cũng nêu một số vấn đề liên quan đến dự toán và thực chi từ nguồn ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 có sự chênh lệch lớn; một số sinh phẩm tồn đọng hiện nay được xử lý như thế nào để tránh lãng phí; khó khăn về cơ sở vật chất, chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ làm công tác y tế dự phòng, y tế cơ sở…
Đồng chí Nguyễn Văn Thương - Phó Giám đốc Sở Y tế giải trình làm rõ một số vấn đề mà các thành viên đoàn giám sát đặt ra. Ảnh: Mai Hoa
Kết thúc cuộc làm việc, đồng chí Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục và giải trình đầy đủ các băn khoăn được các thành viên giám sát đặt ra; đồng thời trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cần chủ động rà soát, phát hiện những bất cập, chồng chéo của các quy định pháp luật cũng như trong thực tiễn để kịp thời kiến nghị với các cấp kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục; tạo thuận lợi cho hoạt động của ngành, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khoẻ Nhân dân.
Mai Hoa