Hội nghị được tổ chức trực tuyến, điểm cầu trung tâm tại TAND tỉnh, điểm cầu thành phần tại các TAND cấp huyện.
Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 5 phần, 11 chương, 175 điều, quy định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên, Dự án luật đưa ra 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó, có 10 biện pháp xử lý chuyển hướng ở ngoài cộng đồng, 1 biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, gồm: Các quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp của người chưa thành niên.
Tại hội nghị, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự án luật, việc ban hành Luật Tư pháp đối với người chưa thành niên là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý về cả nội dung lẫn hình thức cho dự án Luật.
Cụ thể như việc cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật phù hợp với tên gọi; Dự thảo luật còn nhầm lẫn giữa 2 khái niệm trẻ em và người chưa thành niên (tại Khoản 2, Điều 7); cần có quy định làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện cũng như vai trò của người làm công tác xã hội (Điều 21,63),...
Kết luận hội nghị, đồng chí Trần Ngọc Sơn- Ủy viên BCH Đảng bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cảm ơn các ý kiến góp ý của các đại biểu; đồng thời mong muốn các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, góp ý các nội dung xây dựng dự án luật. Các ý kiến trên sẽ được tổng hợp để trình Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
An Quýnh