Tham dự cuộc làm việc có đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, cùng lãnh đạo các vụ thuộc Ban Dân vận Trung ương và Ủy ban Dân tộc.
Tiếp và làm việc với đoàn các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Ngọc Kim Nam - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Bùi Đình Long - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Triển khai đồng bộ công tác dân tộc
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng nhất nước với 16.493,7 km2, trong đó, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có diện tích 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số tại Nghệ An có hơn 491.260 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, với 5 dân tộc thiểu số có lịch sử sinh sống lâu đời là Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu; tỉnh có 27 xã biên giới.
Triển khai thực hiện Kết luận 65-KL/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tỉnh Nghệ An đã tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt kết quả quan trọng.
Nổi bật, tổng ngân sách hỗ trợ đầu tư phát triển cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 8.859 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 3.000 tỷ đồng, số còn lại là ngân sách Trung ương và nguồn khác lồng ghép thực hiện.
Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được quan tâm triển khai thực hiện; nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả. Đến nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Thái Hòa hoàn thành năm 2015).
Giai đoạn 2019 - 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi (11 huyện miền núi) 89.913 người (chiếm 36,29% toàn tỉnh).
Tỉnh đã hỗ trợ 11 huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã xây mới, sửa chữa được 7.212 nhà (lắp ghép 3.560 nhà, xây mới 2.775, sửa chữa 877 nhà) đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện.
Công tác giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao hơn. Đến nay, cán bộ, công chức và viên chức người dân tộc thiểu số toàn tỉnh có 9.159 người, trong tổng số 83.894 cán bộ, công chức, viên chức hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương (chiếm 13,3%).
Đặc biệt, số đảng viên là người dân tộc thiểu số được kết nạp tăng dần theo các năm, 5 năm qua đã kết nạp được 3.285 đảng viên người dân tộc thiểu số, chiếm 17,1% trong tổng số đảng viên được kết nạp (tổng số có 25.359 đảng viên được kết nạp).
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên; an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả khá; khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của nhân dân vùng miền Tây Nghệ An so với bình quân chung cả tỉnh từng bước được thu hẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền được tăng cường.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn khảo sát và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Nghệ An đã đóng góp nhiều ý kiến, gợi mở giải pháp thiết thực để tỉnh Nghệ An tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc và công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào thiểu số
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Kết luận 65-KL/TW khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân tộc là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số; Nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý và điều hành của Nhà nước. Qua đó, đã tạo ra sự đồng thuận lớn trong xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu cảm ơn Đoàn công tác đã lựa chọn tỉnh Nghệ An để nắm bắt những khó khăn trong công tác dân tộc, đề xuất nhiều giải pháp định hướng cho công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề xuất Ban Dân vận Trung ương tiếp tục kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh trong xây dựng, triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tiếp theo hiệu quả, phù hợp với tình hình mới.
Phát biểu kết luận tại buổi khảo sát, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh đánh giá cao kết quả mà tỉnh Nghệ An đạt được trong công tác dân tộc, công tác dân vận thời gian qua. Đồng thời, khẳng định, trong thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ở Nghệ An đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả thiết thực, có nhiều kinh nghiệm quý báu.
Đồng chí đề nghị các cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thực hiện chính sách dân tộc nói chung và các chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng; chú trọng phát triển kinh tế - xã hội thông qua xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững, nhằm nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân; chăm lo công tác an sinh xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới,...
Đối với các kiến nghị đề xuất của tỉnh, đoàn khảo sát tổng hợp, đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan xem xét tháo gỡ, nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác dân tộc trong tình hình mới.