Trong thông tin chia sẻ với báo chí tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) ngày 21/10, đại diện C06 cho biết, tại Nghị quyết 164 ngày 4/10 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 9/2023, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ TN&MT, VHTT&DL, Công an nghiên cứu, xây dựng thống nhất giải pháp quản lý đánh số nhà, đánh số và gắn biển số nhà, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.

Đại diện C06 cũng nhấn mạnh: Để minh bạch trong thị trường bất động sản, cần thiết phải định danh được số nhà và triển khai sàn giao dịch bất động sản quốc gia cho phép định danh cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia giao dịch. C06 cũng đề nghị lãnh đạo Vietnam Post quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện nội dung về định danh số nhà.

Chia sẻ với VietNamNet về việc tham gia cùng C06 nghiên cứu triển khai việc định danh số nhà nhằm góp phần minh bạch thị trường bất động sản, đại diện Vietnam Post cho biết đây là một nội dung đã được 2 đơn vị bàn bạc.

Theo đó, một trong những nội dung chính của thỏa thuận hợp tác mới ký kết giữa Vietnam Post và C06 là “Hợp tác nghiên cứu, xem xét để ứng dụng, tích hợp nền tảng địa chỉ số, bản đồ số của Bưu điện Việt Nam vào Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ và các hoạt động khác của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội”.

w-dinh-danh-so-nha-2-1-931.jpg
C06 đã đề nghị lãnh đạo Vietnam Post quan tâm, phối hợp triển khai việc nghiên cứu phương án định danh số nhà. (Ảnh minh họa: Q.Bảo)

Đại diện Vietnam Post cũng cho biết thêm, giải pháp cụ thể về định danh số nhà dựa trên dữ liệu địa chỉ số của Vietnam Post cũng như dữ liệu của ngành Công an trong thời gian tới sẽ được 2 đơn vị triển khai một cách triệt để, chủ động với phương án phù hợp, mang lại hiệu quả cao khi thực hiện.

Được biết, giai đoạn trước đó, Vietnam Post đã tham gia xây dựng và vận hành nền tảng địa chỉ số, góp phần phát triển hệ sinh thái số trong lĩnh vực bưu chính. Đặc biệt, địa chỉ số quốc gia kết hợp với bản đồ số đã được tạo ra để hỗ trợ thương mại điện tử, bưu chính số, và mang đến cho người dùng những tiện ích như tra cứu, tạo mã, định vị, chia sẻ địa chỉ, tìm đường và quản lý thông tin địa điểm. Điều này cũng đã tạo nên một hệ sinh thái dữ liệu mở.

Phát triển và ứng dụng dữ liệu dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để quản trị xã hội, phát triển kinh tế cũng là những kết quả nổi bật ngành Công an đã thu được sau gần 2 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Cụ thể, theo C06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với với 15 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, góp phần bổ sung và “làm giàu ” dữ liệu; hơn 84,3 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử đã được cấp cho 100% công dân đủ điều kiện. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có nền tảng định danh quốc gia , đến nay đã thu nhận trên 64 triệu tài khoản định danh điện tử - VNeID, kích hoạt trên 42 triệu tài khoản.

Các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để quản trị xã hội, phát triển kinh tế cũng đã được thúc đẩy mạnh mẽ .

Điển hình như, xác thực, làm sạch, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt ; xác thực sinh trắc học trên thẻ căn cước công dân tại các cơ sở khám chữa bệnh; dùng căn cước công dân, ứng dụng VNeID tạo lập tài khoản và giám sát việc thu thuế; xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay, đảm bảo chính xác danh tính , phòng ngừa tội phạm lừa đảo , hạn chế rủi ro; xác thực thông tin thuê bao di động, từng bước loại bỏ tình trạng “SIM rác ” hoạt động lừa đảo, vu khống, đe dọa...