Từ 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đóng BHXH dự kiến sẽ hưởng mức lương mới cao hơn so với hiện tại. Với cách tính lương hưu dựa trên số năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu như hiện nay, việc tăng mức lương đóng BHXH sẽ dẫn đến việc tăng lương hưu.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức có thời gian hưởng tiền lương mới càng dài thì lương hưu càng tăng cao so với người nghỉ hưu trước 1/7/2024.

Như vậy, người nghỉ hưu sau 1/7/2024 có thể sẽ được hưởng mức lương hưu cao hơn nhiều so với những người nghỉ hưu trước cải cách tiền lương, điều này dẫn đến sự phát sinh chênh lệch lương hưu giữa những người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024 khi cải cách tiền lương.

Theo BHXH Việt Nam, để đảm bảo tính cân đối về mức hưởng giữa những người nghỉ hưu trước và sau 1/7/2024 đồng thời đảm bảo tính cân đối trong khả năng thu - chi, đơn vị đã đề xuất điều chỉnh mức tăng lương hưu từ 1/7 tới với mức tăng khoảng 8%.

Căn cứ vào từng đối tượng cụ thể, mức lương hưu sau cải cách sẽ được xây dựng và điều chỉnh để cả những người nghỉ hưu trước hay sau thời điểm cải cách tiền lương đều không bị thiệt thòi.

 

phat-luong-huu-2-2497.jpg?width=0&s=afEJGI20rWs3ZyCWoyML2w
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa đối với nhóm đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 (Ảnh minh họa: Chí Hiếu).

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ 1/7/2024 sẽ có 3 mức điều chỉnh lương hưu cho 3 nhóm đối tượng khi cải cách tiền lương bao gồm:

Với nhóm người nghỉ hưu sau 1/7/2024, hiện nay, mức lương hưu tăng bao nhiêu sẽ được Bộ và các cơ quan liên quan tính toán kỹ lưỡng và hợp lý, hài hòa giữa những người có cùng chức vụ, công việc chuyên môn trước và sau thời điểm cải cách 1/7/2024.

Đối với những người nghỉ hưu trước 1/7/2024, do đây là nhóm đối tượng sẽ được lưu ý khi thực hiện cải cách tiền lương nên Nhà nước sẽ sắp xếp mức bù giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách tiền lương.

Những người nghỉ hưu trước 1/7/2024 ngoài được áp dụng chính sách BHXH thì sẽ vẫn được đảm bảo đầy đủ các chế độ như người nghỉ hưu bình thường.

Việc điều chỉnh mức lương hưu không được thấp hơn 50% so với mức tăng sau cải cách nhằm đảm bảo sự cân đối, không để người nghỉ hưu trước 1/7 bị thiệt thòi sau cải cách tiền lương.

Đối với những người nghỉ hưu trước năm 1995, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa đối với nhóm đối tượng này.

Chờ hướng dẫn cách tính lương hưu mới

Theo bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông BHXH Hà Nội, hiện nay chưa có hướng dẫn nào về cách tính lương hưu theo chế độ lương mới. Vì vậy, cần chờ thêm thời gian nữa khi Dự thảo Luật BHXH được Quốc hội thông qua.

Theo đại diện BHXH Hà Nội, khi thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024 và trước năm 1995 sẽ được xem xét tăng lương hưu phù hợp để đảm bảo tính hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu trước 1/7 bị đẩy xa, thiệt thòi hơn khi cải cách tiền lương.

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, công chức, viên chức được điều chỉnh tăng lương bao nhiêu thì người về hưu cũng phải được điều chỉnh tăng tương xứng. Nếu tăng lương hưu và trợ cấp BHXH quá thấp, người về hưu sẽ bị thiệt do lương tăng, trợ cấp tăng không bù được trượt giá.

Theo ông Lợi, cải cách tiền lương là quá trình tích lũy của nhiều năm mà trong đó thế hệ trước tích lũy cho thế hệ bây giờ. Nguồn quỹ 560.000 tỷ đồng từ quỹ BHXH là quá trình tích lũy của thế hệ trước, nếu tăng lương không phù hợp thì không đảm bảo công bằng với người về hưu.