bna-hoi-nghi-anh-my-nga-9872--n1.jpg

Đồng chí Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các chuyên gia luật, đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Ảnh: Mỹ Nga

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 245 điều, 16 chương. Việc sửa đổi Luật là cần thiết, bởi công tác quản lý và sử dụng đất đai hiện còn tồn tại nhiều hạn chế về một số mặt như: Quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm; việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua giao đất, cho thuê đất còn bất cập; cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế...

Tại hội nghị, ý kiến các đại biểu tham dự đánh giá, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước. Do đó, Luật sửa đổi cần đảm bảo sự nhất quán, ổn định, kế thừa của hệ thống pháp luật đất đai; phát triển các quy định đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt.

bna-y-kien-anh-my-nga-3878.jpg

Ông Thái Minh Tuấn - Phó Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh cho rằng, nên tách biệt đất lâm nghiệp ra khỏi đất nông nghiệp, bởi quy mô và mục đích sử dụng khác nhau. Ảnh: Mỹ Nga

Góp ý vào sửa đổi Luật Đất đai, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, bảng giá đất và giá trên thực tế có sự chênh lệch rất nhiều. Do đó, cần hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất.

Các ý kiến cho rằng, nên tách đất lâm nghiệp ra khỏi đất nông nghiệp vì mục đích sử dụng khác nhau. Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.

Liên quan đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đại diện Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết, trong dự thảo hiện nay, quy định chỉ khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, người dân không đồng thuận mới cần đến Mặt trận vào cuộc. Tuy nhiên, cần quy định thêm về việc Mặt trận phải cần vào cuộc ngay từ bước thông báo thu hồi đất, phê duyệt phương án đền bù. Bên cạnh sự vận động, thuyết phục thì Mặt trận cần có tiếng nói phản biện từ khi xây dựng đề án.

image-9975785-1712022-4164.jpg Cán bộ Phòng Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi công tác quản lý đất đai. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Ngoài ra, các ý kiến còn góp ý một số vấn đề như: Bổ sung các quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai, trong đó có quyền tham gia quản lý nhà nước về đất đai, quyền khiếu nại, tố cáo về đất đai trong những trường hợp cụ thể. Đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững; mở rộng thành phần Hội đồng thẩm định giá đất; bổ sung trình tự xây dựng bảng giá đất...

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã tham gia góp ý kiến liên quan đến bất cập, hạn chế và đưa ra nhiều khuyến nghị sửa đổi Luật Đất đai. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai.

Thanh Lê