Đề xuất 6 giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Thưa các đồng chí!
Sau một buổi làm việc nghiêm túc và hiệu quả, Hội nghị trao đổi về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành chương trình đề ra.
Hội nghị đã được nghe 10 tham luận, phát biểu của các nhà nghiên cứu, quản lý, các nghệ nhân, người có uy tín đại diện các dân tộc Thái, Thổ, Mông, K’Mú,…đến từ các địa phương đã trao đổi những kinh nghiệm và thành công bước đầu trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.
Từ nhiều góc độ khác nhau, các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, người có uy tín đại diện các dân tộc, bằng những thông tin, số liệu từ thực tiễn đã tập trung phân tích, đánh giá, lý giải, và đặc biệt là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi, đã làm rõ thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, cùng những những sáng kiến, giải pháp, đề xuất rất cụ thể, có giá trị thực tiễn cao nhằm định hướng, áp dụng thực hiện trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch và dịch vụ nói riêng, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung.
Trên cơ sở các tham luận của các vị đại biểu, tôi xin tổng hợp một số vấn đề cơ bản như sau:
Thứ nhất: Thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ở nội dung này, các nhà nghiên cứu, quản lý, nghệ nhân, người có uy tín đại diện các dân tộc và những qua phóng sự chúng ta vừa xem, đã tập trung làm rõ hiện trạng các giá trị văn hoá truyền thống nói chung trong đó nêu lên thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh, với những đặc điểm cơ bản nhất của các dân tộc thiểu số chủ yếu: Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú và Ơ Đu, sống tập trung ở 11 huyện, thị miền núi gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương và thị xã Thái Hòa. Với bề dày truyền thống và lịch sử lâu đời, các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An đã sáng tạo, hình thành cho mình nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc. Giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng của các dân tộc là sức mạnh nội sinh tiềm tàng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi dân tộc và các địa phương.
Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, kế thừa có chọn lọc và phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống, như việc ban hành Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 24/8/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An, với tổng kinh phí được cấp từ năm 2011 - 2017 là 6.795 triệu đồng để thực hiện “Phòng lưu giữ, trưng bày, giới thiệu một số loại hình văn hóa các dân tộc thiểu số Nghệ An”, với không gian của 05 dân tộc thiểu số Thái, Thổ, Mông, Khơ-mú, Ơ Đu… .
Thời gian gần đây, tỉnh đã có các cơ chế chính sách như Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và nghệ sĩ đang làm việc tại Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An...nhằm từng bước đầu tư kinh phí để khôi phục các lễ hội truyền thống, khôi phục nghề dệt trang phục truyền thống, hỗ trợ học tiếng nói, chữ viết và truyền dạy văn hoá dân tộc...; triển khai khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; xây dựng mô hình, hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ, câu lạc bộ sinh hoạt truyền thống các dân tộc; thực hiện tôn tạo, trùng tu và đưa vào khai thác các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh phục vụ du lịch, triển khai có hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng, và chúng ta cũng đã có các điểm du lịch cộng đồng khá nổi tiếng như: mô hình Bảo tàng Thiên nhiên-Văn hóa mở tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Thác Kèm, Thác Sao va, Thác Bảy tầng; các mô hình du lịch cộng đồng, làng nghề và dệt thổ cẩm như: bản Khe Rạn, Bản Nưa, Bản Xiềng (Con Cuông), Bản Na, Bản Đình Sơn, Bản Loọng Dẻ (Kỳ Sơn); bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu),..
Tuy vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số còn những hạn chế, khó khăn: Việc khai thác các giá trị di sản văn hóa tại các điểm du lịch còn nghèo nàn, chất lượng kém, chưa phong phú; việc kiểm kê, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống ở một số địa phương và việc đầu tư xây dựng các thể chế văn hóa cơ sở nhất là vùng dân tộc miền núi chưa được quan tâm đúng mức; nguồn lực, nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác giữ gìn văn hóa phi vật thể đang còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thứ hai: Qua Hội nghị này, trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham luận của các đại biểu, tôi xin đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tập trung chủ yếu vào một số nội dung cụ thể sau:
1. Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan quản lý văn hoá các cấp với vai trò định hướng, tạo dựng nguồn lực trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
2. Coi trọng và làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hoá của các dân tộc thông qua việc thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa; khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu sâu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể và vật thể; áp dụng các biện pháp cần thiết của chính quyền các cấp để bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền.
3. Gắn kết chặt chẽ du lịch với dịch vụ trong sự phát triển hài hoà, bền vững của các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng phát triển du lịch dựa trên ba loại hình gồm: du lịch văn hoá lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng giải trí và du lịch sinh thái mạo hiểm gắn với du lịch cộng đồng, dựa trên thế mạnh về tài nguyên sinh thái rừng, văn hoá bản địa trong trồng và chế biến dược liệu, nông sản đặc sản, chăn nuôi gia súc gia cầm của các vùng, để phát triển dịch vụ; đồng thời chú trọng các không gian phát triển du lịch của các vùng tuyến đường 7, tuyến đường 48 và tuyến đường Hồ Chí Minh tại các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh ta.
4. Tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hoá truyền thống cũng như các điểm du lịch gắn liền với các giá trị văn hoá truyền thống; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho đồng bào các dân tộc bảo tồn, biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống trong xây dựng cuộc sống mới.
5. Nâng cao năng lực cho cộng đồng, đào tạo kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch. Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đặc biệt là chú trọng việc truyền dạy nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ kế thừa bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
6. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động và phát huy nội lực; tếp tục đẩy nhanh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội một cách đồng bộ theo Chương trình dự án 06 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Kính thưa các vị đại biểu!
Bác Hồ từng nói: Văn hoá còn thì đất nước còn, Văn hoá soi đường cho Quốc dân đi, để văn hoá trở thành gốc rễ, nguồn cội trong mỗi người con của dân tộc Việt Nam, tiếp tục thấm sâu trong dòng chảy của Văn hoá xứ Nghệ thì mỗi người dân, dù là “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”. Quan điểm của Người đã xuyên suốt, thể hiện sự nhất quán “trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”.
Tin tưởng rằng, những bài tham luận, ý kiến tại Hội nghị là nguồn tài liệu quý giá, phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ ở tỉnh ta trong điều kiện hiện nay, với mục đích làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, vươn lên khá, giàu và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị hôm nay đã thành công tốt đẹp. Chủ trì Hội nghị xin trân trọng ghi nhận, đánh giá cao sự chuẩn bị và những tham luận rất chất lượng của các vị đại biểu; sự chuẩn bị chu đáo, tinh thần phối hợp của Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, các cơ quan có liên quan của huyện Con Cuông đã góp phần quan trọng cho thành công của Hội nghị.
Kính chúc các quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
Tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị! Xin trân trọng cảm ơn!