Hạ tầng giao thông có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, phát triển hạ tầng giao thông đường bộ luôn được Nhà nước quan tâm và dành nguồn lực lớn để đầu tư. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, cơ sở hạ tầng giao thông thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trước thực tế đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ có ý nghĩa quan trọng nhằm thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông.
Để tăng trách nhiệm của cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ, Quốc hội cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ với một số dự án qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án qua các địa phương với 14 dự án. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án theo quy định đối với dự án do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì đối với tuyến đường bộ trong quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Việc Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm những chính sách đặc thù này nhằm được tạo cơ chế linh hoạt cơ quan chủ quản dự án chủ động trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, đảm bảo việc giải ngân nguồn vốn đã được Chính phủ giao theo tiến độ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện liên kết vùng giữa các địa phương và đảm bảo đồng bộ cấp đường theo toàn tuyến.
Gần hai tháng sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, ngày 27.1 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP triển khai Nghị quyết của Quốc hội. Điều này cho thấy sự tích cực, chủ động của Chính phủ nhằm sớm đưa nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.
Để bảo đảm tính khả thi cũng như tăng trách nhiệm của UBND tỉnh, Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, UBND các tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ, trước ngày 15.2.2024, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giao cơ quan chủ quản để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cá biệt giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với các dự án tại Phụ lục II của Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội. Bố trí toàn bộ kế hoạch vốn để thực hiện các dự án theo quy định để hoàn thành các dự án, dự án thành phần đúng tiến độ như đã cam kết. Trường hợp phát sinh các yếu tố làm tăng quy mô, tổng mức đầu tư dự án, địa phương chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác (đối với phần tăng thêm) để triển khai hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã cam kết.
Cùng với đó, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết của Quốc hội. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin - cho”, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh. Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp; trì trệ, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Việc thực hiện điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ sẽ được áp dụng đến hết ngày 30.6.2025. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan cần khẩn trương “xắn tay vào việc”. Với quyết tâm của Chính phủ, cũng như siết chặt trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng đường bộ, tin rằng, những chính sách này sớm phát huy hiệu quả trên thực tế.
Lê Hùng