bna-pho-chu-tich-qh-nguyen-khac-dinh-dieu-hanh-phien-hop2-1980--n1.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cơ bản tán thành với báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan đến các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đại biểu nêu quan điểm về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh việc thực hiện dân chủ đối với các tổ chức có sử dụng lao động.

Trước tiên, phải khẳng định rằng dân chủ trong các tổ chức có sử dụng lao động, trong đó có doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sang các tổ chức có sử dụng lao động, theo đại biểu Thái Thị An Chung là chưa phù hợp.

bna-thai-thi-an-chung-nghe-an1-8578--n3.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. Ảnh: Quang Khánh

Điều 8 của Hiến pháp 2013 cũng quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân”.Vì Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Như vậy, khái niệm Dân chủ ở đây được hiểu với nội hàm và phạm vi là quan hệ giữa Nhân dân và Nhà nước.

Trong khi đó, doanh nghiệp là tổ chức kinh tế, được thành lập trên cơ sở vốn góp của các thành viên. Doanh nghiệp có thể thuê, mướn, sử dụng lao động bằng hợp đồng lao động. Quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động là quan hệ lao động và đã được điều chỉnh bằng pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động…

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện để xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định”.

bna-nghe-an-1642--n2.jpg
Các đại biểu Quốc hội tại phiên làm việc chiều 22/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Việc tổ chức thực hiện các quy định này đạt được các kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động.Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ, việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp nói riêng và các tổ chức có thuê, mướn, sử dụng lao động nói chung không phải là vấn đề mới được đặt ra mà đã được khẳng định từ lâu trong các văn kiện của Đảng và được thể chế hóa trong nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp và tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, các quy định này thể hiện mục tiêu xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hoà và ổn định giữa một bên là người sử dụng lao động và một bên là người lao động. Do đó, việc hợp nhất dân chủ trong mối quan hệ giữa Nhân dân và Nhà nước với dân chủ trong doanh nghiệp là có phần gượng ép.

“Vì các lý do trên, tôi kiến nghị phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ nên điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để phát huy được vai trò làm chủ của Nhân dân, phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và các chủ trương, chính sách của Đảng”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An nêu ý kiến.

bna-bo-truong-bo-noi-vu-pham-thi-thanh-tra3-3042--n2.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu làm rõ những nội dung mà đại biểu quan tâm. Ảnh: Quang Khánh

Hoạt động của các tổ chức có sử dụng lao động như doanh nghiệp, hợp tác xã không những chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật mà còn có các Điều lệ riêng của từng tổ chức.Liên quan đến việc thành lập Ban thanh tra nhân dân ở các tổ chức có sử dụng lao động ở khu vực ngoài Nhà nước, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An đề nghị nên cân nhắc kỹ về sự cần thiết, vì đây là nội dung mới, chưa được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp là đối tượng thường xuyên chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan thanh tra chuyên ngành chính quyền các cấp… Bản thân nội bộ các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải thành lập ban kiểm soát nội bộ theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã.

Mặc khác, do bản chất dân chủ trong doanh nghiệp khác với các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập nên việc quy định thành lập Ban Thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp là không phù hợp và có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của Việt Nam.

bna-221020220226-z3820249578903-12a65a565c2c2f67b45ce02cf0eaedf8-3474--n2.jpg
Toàn cảnh phiên làm việc chiều 22/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Về Ban giám sát cộng đồng, Điều 41 dự thảo quy định Ban giám sát đầu tư cộng đồng được thành lập theo từng chương trình, dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo nữ đại biểu Đoàn Nghệ An, quy định này là không khả thi và phù hợp với điều kiện, năng lực hoạt động của Ban giám sát cộng đồng như quy định tại dự thảo luật. Đối với các dự án này, việc giám sát phải do các cơ quan, tổ chức Nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

“Theo tôi, chỉ nên thành lập Ban giám sát đầu tư cộng đồng đối với các chương trình, dự án đầu tư bằng vốn và công sức của cộng đồng dân cư hoặc bằng các nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho xã, phường, thị trấn là phù hợp”, bà Thái Thị An Chung nêu ý kiến.

Thành Duy - Phan Hậu