Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội sáng 1/11. Ảnh: Quochoi.vn
Phát biểu thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật phòng, chống rửa tiền và nhận thấy hồ sơ dự thảo Luật đã được chuẩn bị một cách đầy đủ, kỹ lưỡng để có thể xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu cho rằng: Cùng với ngân hàng, bất động sản là lĩnh vực có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền “tấn công” bởi vì đầu tư bất động sản tương đối thuận lợi và thủ tục đơn giản hơn khi tham gia thị trường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản hoặc trực tiếp giữa người mua và người bán; việc thanh toán thực hiện theo thoả thuận giữa các bên, có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản nên rất khó kiểm tra, xác minh nguồn gốc của tiền.
Thực tế cho thấy việc thanh toán bằng tiền mặt đối với các giao dịch bất động sản tại Việt Nam khá phổ biến, giao dịch không qua sàn giao dịch chiếm số lượng lớn và giá trị các giao dịch cao. Qua đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, các đối tượng phạm tội thường rửa tiền bằng cách nhờ người thân, gia đình mua, chuyển nhượng, tặng cho bất động sản.
Các ĐBQH Đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận sáng 1/11 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
“Chính vì vậy, việc quy định và thực thi các quy định về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện”, bà Thái Thị An Chung nói; đồng thời đề nghị 4 nội dung để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản.
Trước hết là cần bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước thực hiện việc giao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân có thu tiền sử dụng đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá. Nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để phòng ngừa rửa tiền và đồng thời giúp cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng “bong bóng”.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh
Cùng với đó là bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại quy định tại Điều 33 của dự thảo luật, đó là: khách hàng thực hiện các giao dịch bằng tiền mặt có giá trị lớn; khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày; khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần (nhiều có thể là từ 2 hoặc từ 5 trở lên do Chính phủ quy định); kết quả đấu giá quyền sử dụng đất tăng một cách bất thường…
Đồng thời bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 53, đó là chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền áp dụng cho các đối tượng báo cáo là đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống rửa tiền đối với các đối tượng này.
Cùng với việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền thì việc sửa đổi điều 16 và điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết để chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường bất động sản. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào điều 63 dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Điều 16 và Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản số 66 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2014.
Các nữ ĐBQH trao đổi bên lề phiên thảo luận sáng 1/11 tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị vẫn nên thiết kế 1 chương riêng về hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền để đảm bảo tính logic của dự thảo Luật; đồng thời tiếp tục khẳng định rõ hơn sự chủ động của Việt Nam trong hoạt động hợp tác song phương, đa phương trong cuộc chiến chống tội phạm rửa tiền và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong phòng chống rửa tiền.
Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên của nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG). Việc gia nhập APG khẳng định cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới trong việc xây dựng một thể chế tài chính lành mạnh và đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt./.