ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa): Ưu tiên đầu tư phát triển địa bàn miền Tây Nghệ An cũng là tâm tư, nguyện vọng chung của cử tri các địa bàn có nhà máy thủy điện trong cả nước
Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành thảo luận.
Bên lề kỳ họp, đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có trao đổi với Trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An về dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Với những đặc trưng của tỉnh Nghệ An về vị trí địa lý đặc biệt, là trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ kết nối hai miền Bắc Nam trong hành lang kinh tế Đông Tây, là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, dân số đông thứ 4 cả nước và đặc biệt là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là rất cần thiết, đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An.
Tạo thêm nguồn lực để đầu tư phát triển vùng miền Tây tỉnh Nghệ An
Đại biểu Cầm Thị Mẫn quan tâm đến một trong bốn chính sách đề xuất mới cho tỉnh Nghệ An về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, trong đó tập trung chính sách nêu tại khoản 3 điều 3 dự thảo Nghị quyết mà địa bàn thụ hưởng hướng đến khu vực miền Tây Nghệ An. Dự thảo Nghị quyết cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An.
Miền Tây Nghệ An là địa bàn đặc biệt khó khăn, có tính chất quan trọng và nhạy cảm về chính trị, quốc phòng an ninh; 22 nhà máy thủy điện của tỉnh Nghệ An đều đóng trên địa bàn miền Tây. Nơi đây cũng là địa bàn chủ yếu thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản. “Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển”, vị đại biểu chuyên trách Đoàn Thanh Hóa đánh giá.
Với tính chất đặc thù của địa bàn cũng như thực trạng phát triển của miền Tây Nghệ An, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng đề xuất chính sách nêu tại khoản 3 điều 3 dự thảo là hoàn toàn chính đáng. Điều này xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân các dân tộc trên địa bàn 11 huyện miền Tây Nghệ An, cũng là tâm tư, nguyện vọng chung của cử tri các địa bàn có nhà máy thủy điện trong cả nước. “Đối với tỉnh Nghệ An, đề xuất chính sách này sẽ giúp cho tỉnh có thêm nguồn lực đầu tư phát triển vùng miền Tây của tỉnh”, đại biểu khẳng định.
Từ chính sách đặc thù đối với miền Tây Nghệ An, vị đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ cần có đánh giá và nhân rộng mô hình cho các địa phương có nhà máy thủy điện trong cả nước.
Đồng thời, để chính sách này tại Nghị quyết thực hiện hiệu quả, hiệu lực sau khi được Quốc hội thông qua, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị sửa lại quy định tại khoản 3 điều 3 thành “Cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An”./.