Thực nghiệm ngay trong quá trình viết sách

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã chính thức công bố danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 3, lớp 7 và lớp 10, trong đó có bộ Cánh Diều - bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, cũng là bộ sách nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh và học sinh.

Chia sẻ về điểm mới của SGK lớp 3, 7 và 10, GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; Tổng chủ biên, kiêm chủ biên SGK tiếng Việt lớp 3, bộ sách Cánh Diều cho biết, tất cả sách giáo khoa không dạy theo lý thuyết mà học sinh phải được thực hành. Trong quá trình làm bài tập, các em được quyền lựa chọn đề tài, chọn chủ đề thảo luận…

248361412_5355652976.jpg Giáo viên tiếp cận bản mẫu sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 3, 7 và 10

GS. TSKH. Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên môn Toán bộ sách Cánh Diều cho biết, quá trình biên soạn SGK đều tiến hành thực nghiệm ở trường phổ thông, ít nhất 10% số lượng tiết học cả năm học. “Chúng tôi thực nghiệm ở các trường phổ thông trên các vùng miền khác nhau. Với sách lớp 7, thực nghiệm ở Hà Nội, Tuyên Quang - một tỉnh trung du miền núi, Thái Bình - một tỉnh đồng bằng tương đối thuần nông, Đồng Nai - nơi có nhiều khu công nghiệp ở phía Nam. Với những vùng miền khác nhau như thế cho phép chúng tôi đánh giá bản thảo dự định khả thi như thế nào và cần điều chỉnh ra sao cho tốt hơn”.

Tại sao lại làm thực nghiệm ngay trong quá trình viết sách? Với kinh nghiệm 3 lần viết SGK, PGS. TS. Đỗ Ngọc Thống cho rằng, nếu thực nghiệm như cũ sẽ rất tốn thời gian và không mang lại nhiều lợi ích. Do đó, ngay từ đầu, ban soạn thảo phải thực nghiệm những nội dung mới, cách dạy mới trong từng bài học. “Dạy theo hướng phát triển năng lực khác dạy chú trọng nội dung, kiến thức như thế nào? Chúng tôi phải thực nghiệm phương pháp ngay trong quá trình viết sách để nhận ra cái mới”.

Tăng giờ thực nghiệm

Đánh giá các bộ SGK mới có nhiều ưu điểm như kênh hình, kênh chữ đẹp, học sinh hứng thú, cô Phan Hồng Hạnh, giáo viên Trường THPT Chu Văn An cho biết, SGK mới còn giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy. Ví dụ với môn Ngữ Văn trong bộ sách Cánh Diều, mỗi văn bản đưa ra, trong từng đoạn văn bản đều có phương pháp đọc, học sinh được giáo viên hướng dẫn thêm nên tự tin hơn, chủ động tiếp cận kiến thức.

Là giáo viên THPT, cô Phan Hồng Hạnh cho rằng, việc thực hành rất quan trọng. Do đó, nên có giờ thực nghiệm nhiều hơn, ít nhất 3 tiết thực nghiệm/bộ môn. "Ví dụ, giáo án minh họa cho các thành phố lớn phù hợp với các con trường chuyên, giáo án minh họa ở mức độ học khá, trung bình, giáo án minh họa chi tiết cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Theo tôi ít nhất là 3 giáo án minh họa như vậy".

272785168_3165685980.jpg Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ tại tọa đàm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá, hầu như các địa phương đều rất chủ động trong triển khai chương trình, SGK mới. "Nhiều tỉnh đã lựa chọn sách theo từng môn học. Đây chính là cơ hội cho các thầy cô, Hội đồng giáo dục ở các trường chọn cuốn sách phù hợp nhất. Tuy nhiên, cũng có số khác hơi máy móc. Chúng tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rà soát và hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương trong quá trình chọn SGK lớp 3, 7, 10 tới đây hiểu một cách linh hoạt, tôn trọng ý kiến cơ sở".

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ lựa chọn SGK, bảo đảm đủ các bước. Bởi đây là căn cứ để các nhà xuất bản phát hành SGK, đưa sách tới các thầy các cô trong quá trình triển khai hoạt động tập huấn.