Nhiều kỳ vọng đẩy nhanh giải ngân
Đầu tư công được xác định là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh chúng ta đang triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nguồn vốn cần hấp thụ trong năm 2022 - 2023 rất lớn, trong đó riêng cho hạ tầng lên tới trên 113.000 tỷ đồng, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân đặt ra càng quyết liệt hơn.

Ngay những ngày đầu năm, Chính phủ và Thủ tướng đã có những động thái cho thấy rõ sự quyết liệt trong vấn đề này. Tại Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 ban hành ngày 30.1.2022 (Nghị quyết 11) và Chỉ thị 01/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết (Chỉ thị 01), Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công ngay từ đầu năm; kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra...
Đặc biệt, từ mùng 4 - 6 Tết, Thủ tướng đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án hạ tầng giao thông quan trọng. Đơn cử, tại dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết ngay vướng mắc của nhà đầu tư tại công trường đang thi công. Thủ tướng yêu cầu phải công bằng trong thưởng phạt hợp đồng, làm tốt phải thưởng và chưa tốt phải phạt. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa quy định hiện hành để huy động tối đa và đa dạng các nguồn vốn, bởi nếu áp dụng theo luật hiện nay thì dự án này đã không thực hiện được hợp tác công tư…
Rất nhiều kỳ vọng cho việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay được đặt ra sau chuyến công tác của Thủ tướng. TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam tin tưởng, chắc chắn sẽ có những thay đổi tích cực trong tiến độ giải ngân, chất lượng dự án đầu tư công năm 2022.
Xắn tay hành động
Theo nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia Lê Đình Ân: “Chuyến công tác xuyên Tết, xuyên Việt của Thủ tướng có ý nghĩa là động lực, khởi nguồn, bước đệm ban đầu” nhưng “một mình Thủ tướng đốc thúc thì chưa đủ”. Theo ông, vấn đề quan trọng bây giờ là “phải xem các bộ, ngành, địa phương vào cuộc như thế nào?”, tức là phải xắn tay ngay vào hành động và bảo đảm “những người không làm sẽ phải đứng sang một bên”.
Cũng theo chuyên gia này, việc thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn liên quan giải ngân vốn đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11 là tốt, nhưng “quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đó làm đến đâu”. “Phải tuyệt đối tránh tình trạng một dự án phải tiếp đón nhiều tổ công tác, gây chồng lấn. Do vậy, rất cần có sự điều hành, điều phối chung để bảo đảm tính liên kết, phối hợp lẫn nhau. Các tổ công tác phải bảo đảm liên ngành và trước khi đi kiểm tra phải rà soát lại hệ thống pháp luật xem đang vướng ở đâu, gỡ thế nào. Các bộ phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình: Phần việc nào của cấp bộ thì bộ trưởng phải xử lý ngay, phần việc nào cần trình lên Chính phủ, Quốc hội cũng cần trình sớm; phải đặt trong bối cảnh xử lý tình huống chứ không thể chờ đợi”, ông Lê Đình Ân kiến nghị.
Có thể nói, sau chuyến công tác của Thủ tướng cùng những động thái quyết liệt của Chính phủ đã đặt các bộ, ngành và địa phương vào tình huống ngồi trên “ghế nóng”, không thể chậm trễ trong triển khai, nhất là vai trò của Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết lúc này là phải rà soát hệ thống quy định, cơ chế, thể chế để có những đề xuất thay đổi căn bản, chứ không chỉ là những thay đổi mang tính kỹ thuật.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh Nguyễn Phương Bắc đề xuất, cùng với việc các bộ, ngành phải ngồi lại và ngồi cùng nhau để rà soát hệ thống quy định hiện hành, thì cũng cần đặt mục tiêu như phải cắt giảm thủ tục hành chính tối thiểu ở từng bước như một số địa phương đã và đang làm. Đồng thời, cần thường xuyên đôn đốc kiểm tra, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, đưa vào chỉ tiêu đánh giá thi đua của đơn vị và rõ chế tài xử lý nếu không thực hiện đúng, qua đó sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đan Thanh