Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, một số sở, ngành địa phương.

bna_img_43765229653_2052022.jpg
Toàn cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

NHIỀU BẤT CẬP TẠI CƠ SỞ ĐÀO TẠO NGHỀ CẤP HUYỆN

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 9 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp, 22 trung tâm và 18 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp. Quy mô tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 88.500 học sinh, sinh viên/năm, tăng 8,9% so với năm 2014, tăng từ 80.600 người năm 2015 lên 88.500 người năm 2020 (tăng 9%), trong đó, cao đẳng nghề tăng nhanh (tăng 17,2%) với 7.975 sinh viên, trung cấp nghề: 15.655 học sinh; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên: 64.870 học viên.

bna_img_43613331269_2052022.jpg
Đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trình bày báo cáo về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Cơ cấu ngành nghề đào tạo được quy hoạch và phát triển để hướng đến nhu cầu của xã hội. Kết quả giám sát cho thấy, giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 439.285 lượt người được đào tạo nghề (bình quân mỗi năm hơn 73.000 lượt người), gồm các cấp trình độ: cao đẳng 29.436 người (chiếm 6,7% so với lao động được đào tạo toàn tỉnh), trung cấp 50.817 người (chiếm 11,56%), sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 359.032 người (chiếm 81,73%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát nhận thấy, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

bna_img_43756225444_2052022.jpg
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Chu Đức Thái phát biểu trình bày kết quả giám sát. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HDNĐ tỉnh Nguyễn Như Khôi - Trưởng Đoàn giám sát trăn trở nêu lên một số bất cập như: Số lượng cơ sở đào tạo nghề ở cấp huyện rất nhỏ lẻ, trang thiết bị dạy học phần lớn còn rất lạc hậu. Đội ngũ giáo viên nghề vừa thừa, vừa thiếu, hiện chủ yếu giáo viên dạy lý thuyết, còn thiếu giáo viên dạy thực hành, đặc biệt là giáo viên thực hiện chất lượng cao.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho biết, các trung tâm đào tạo theo chỉ tiêu của Nhà nước giao nên tư tưởng của một bộ phận người học để thực sự có một nghề vẫn chưa cao, chưa nỗ lực.

Đặc biệt, trong thực trạng cung - cầu lao động có những vấn đề đang đặt ra. Trong khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động phổ thông và họ có chuyên gia đào tạo để làm việc nhưng tuyển dụng gặp khó khăn; trong khi đó, con em lại không có việc làm tại địa phương, phải vào Nam, ra Bắc tìm việc. Ở đây đặt ra bài toán kết nối cung - cầu lao động làm sao cho hiệu quả, trong đó có vai trò của chính quyền cơ sở. Do đó, cần có giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp trực tiếp cùng với các cơ sở dạy nghề trong tuyển dụng lao động.

bna_img_43839859822_2052022.jpg
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu nêu lên những bất cập trong giáo dục nghề nghiệp qua giám sát. Ảnh: Thành Duy

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cũng đề xuất nên tổ chức thành các trung tâm đào tạo nghề theo khu vực và được đầu tư bài bản, đầy đủ để đào tạo hiệu quả; còn các trung tâm đào tạo nghề cấp huyện chỉ nên giữ lại bộ khung của bộ máy làm nhiệm vụ phối hợp tuyển sinh, kết nối với các trung tâm dạy nghề khác có đủ điều kiện về triển khai dạy nghề trên địa bàn huyện khi có nhu cầu vì hệ thống cơ sở đào tạo nghề ở cấp huyện hiện nay gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư. Thay mặt Đoàn giám sát, Trưởng Đoàn giám sát cũng đề nghị nghiên cứu chính sách đặc thù đào tạo nghề chất lượng cao của tỉnh.

bna_img_44135141472_2052022.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, và một số sở, ngành liên quan và lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã trao đổi, làm rõ một số nội dung liên quan mà Đoàn giám sát đặt ra.

RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ LẠI HOẠT ĐỘNG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá cao kết quả Đoàn giám sát công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Các nội dung trong báo cáo giám sát của đoàn ghi nhận những kết quả; đồng thời chỉ ra tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Trên cơ sở đó có những kiến nghị rất cụ thể đối với các cấp, trong đó có UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là nội dung UBND tỉnh rất quan tâm trong điều kiện hiện nay tỉnh đang tập trung thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó, một trong những yêu cầu đặt ra của nhà đầu tư là nguồn nhân lực, nhất là chất lượng nguồn nhân lực.

bna_image_3049377_2052022.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ tập trung quyết liệt để triển khai Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời tập trung rà soát lại hiệu quả các cơ sở đào tạo nghề để có sự sắp xếp phù hợp để hoạt động của các trung tâm có hiệu quả; gắn với đó là rà soát, tính toán đội ngũ giáo viên đảm bảo cân đối, đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo rà soát lại đầu tư cho các cơ sở theo quan điểm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhằm có cơ sở vật chất đồng bộ; mặt khác, đồng hành với các doanhh nghiệp, nhà đầu tư để đào tạo người lao động nhằm đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động, nhằm phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn.

bna_img_45265474230_2052022.jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu kết luận. Ảnh: Thành Duy

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá tỉnh đã và đang rất nỗ lực trong công tác đào tạo nghề, tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị phải rà soát lại các cơ sở đào tạo nghề để có kế hoạch đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh tư duy dàn trải; tiếp tục thực hiện Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhất là tính toán để sắp xếp các cơ sở dạy nghề một cách hiệu quả.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH rà soát lại đội ngũ giáo viên tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh giải pháp cụ thể trong tuyển dụng để hoàn thiện đội ngũ, trong đó, phải đảm bảo cân đối hợp lý giữa giáo viên dạy lý thuyết và thực hành để đáp ứng hiệu quả yêu cầu đào tạo nghề.

bna_img_95029853228_2052022.jpg
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH cần thực hiện tốt việc kết nối cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp và các địa phương; qua đó có thể cung cấp lao động phổ thông để doanh nghiệp đào tạo theo yêu cầu tuyển dụng; hoặc những lao động đã được đào tạo thì thông tin để cung ứng cho doanh nghiệp.

Qua giám sát, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoạt động cơ sở giáo dục nghề nghiệp thật kỹ, qua đó, đề xuất những giải pháp, nhất là về tổ chức bộ máy để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động đào tạo nghề.

Thành Duy

Nguồn: Báo Nghệ An