Tuy nhiên, công tác đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước vẫn còn hạn chế và đối mặt với nhiều thách thức. Ngày 23 tháng 6 năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36/KL-TW về đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Trong đó đề ra mục tiêu tổng thể dài hạn, mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và yêu cầu triển khai 9 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Kết luận của Bộ chính trị trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cần nhận diện những thách thức và giải pháp.
Những thách thức đối với an ninh nguồn nước
- Nguồn nước đến từ bên ngoài lãnh thổ.
Sông Lam bắt nguồn từ Bắc Lào chảy vào Nghệ An ở xã Keng Đu (Kỳ Sơn) về đến Cửa Hội đổ ra biển, với chiều dài 361 km. Sông Lam có lưu vực 27.200 km2, trong đó trên lãnh thổ nước Lào là 9.400 km2. Do vậy, hàng năm nguồn nước đến từ bên ngoài lãnh thổ là 18,4%. Với diện tích lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ từ đó cũng nằm ngoài khả năng quản lý trực tiếp của quốc gia ở phía hạ lưu. Diện tích lưu vực nằm ngoài lãnh thổ hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ của quốc gia phía thượng nguồn. Những năm gần đây do nhiều nguyên nhân đã xảy ra hiện tượng suy giảm dòng chảy về mùa cạn, gia tăng dòng chảy về mùa lũ trên sông Lam.
- Nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian.
Lượng mưa giao động giữa các năm và phân phố không đều trong năm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, trong đó tháng 9, 10 đạt tới 40-50% lượng mưa cả năm. Nghệ An có nguồn nước dồi dào trên 30 tỷ m3/năm, có lượng mưa bình quân hàng năm 1800-2000mm, là điều kiện thuận lợi cho sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên do phân phối không đều theo không gian và thời gian nên thường mâu thuẫn với yêu cầu dùng nước. Hạn hán xảy ra gay gắt vào thời kỳ lúa trổ vụ Đông - Xuân và gieo cấy vụ Hè - Thu. Vào thời kỳ này thủy điện lại tích nước làm cho hạn hán thêm gay gắt.
- Diện tích rừng suy giảm
Rừng là mẹ của nước, thảm phủ thực vật giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn sinh thủy tự nhiên, mặt khác, suy giảm thảm phủ và chất lượng rừng dẫn đến xói mòn đất làm gia tăng nguy cơ lũ lụt, điều tiết nguồn nước và tốc độ truyền lũ, phòng chống sạt lở. Do gia tăng dân số theo đó là nhu cầu phát triển kinh tế, hệ quả là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ bị suy giảm. Mặt khác, việc phát triển nóng thủy điện làm ngập thượng lưu, trong đó có rừng. Bên cạnh đó, diện tích rừng bị ngập chỉ được khoanh đo trên bản đồ và được khai thác trước khi hồ tích nước, việc cắm mốc phân định giữa diện tích rừng bị ngập trong lòng hồ không thực hiện được trên thực địa. Thực tế rừng bị ngập lớn hơn số liệu thống kê.
- Gia tăng nhu cầu sử dụng nước
Ngoài nguyên nhân gia tăng dân số, nước ăn uống, sinh hoạt tăng cao, còn nguyên nhân do công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thủy lợi phục vụ đa mục tiêu. Bởi vậy nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng.
- Gia tăng rủi ro hạn hán, bão lụt do biến đổi khí hậu và nguyên nhân khác
Gia tăng hạn hán: Do biến đổi khí hậu, lượng mưa suy giảm về mùa khô, hiện hữu nguy cơ sa mạc hóa vùng Nam - Hưng - Nghi - Thành phố Vinh (là vùng trọng điểm thứ hai về sản xuất lương thực của tỉnh Nghệ An). Sản xuất nông nghiệp vùng này do hệ thống thủy lợi Nam Nghệ An đảm trách, đây là hệ thống các trạm bơm điện, nguồn nước lấy từ sông Lam qua cống Nam Đàn. Theo thiết kế mực nước sông Lam phía thượng lưu cống là 1,15 thì những năm gần đây vào mùa khô chỉ còn -0,4 đến -0,6. Nguyên nhân nước sông Lam cạn kiệt, ngoài nguyên nhân lượng mưa giảm còn các nguyên nhân cộng hưởng nữa là do nạo hút cát sỏi làm cao trình lòng sông hạ thấp, thời kỳ này thủy điện cũng tích nước phục vụ phát điện… vì vậy tình trạng hạn hán càng trở nên nghiêm trọng.
Gia tăng lũ lụt, ngập úng: Do biến đổi khí hậu, theo đó lượng mưa ngày và tổng lượng mưa trong năm về mùa mưa tăng cao, nhất là mưa hoàn lưu sau bão, cộng hưởng với thủy điện xả lũ làm gia tăng diện tích úng ngập, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… Ngoài yếu tố thiên tai thì còn có yếu tố do con người, đó là các hành vi xây dựng lấn chiếm hành lang thoát lũ, san lấp ao hồ, tiến trình công nghiệp hóa… Theo tính toán sơ bộ thì diện tích công nghiệp hóa tăng 15% thì lưu lượng cần tiêu tăng gấp đôi, đặt ra nhiều vấn đề phức tạp đối với việc bảo vệ, khai thác sử dụng nước và phòng chống thiên tai bền vững.
- Rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước.
Hồ chứa nước là công trình tích nước khối lượng lớn ở thượng lưu sông suối có độ cao so với các khu dân cư trù mật ở phía hạ du. Vì vậy nếu để xảy ra sự cố hồ bị vỡ gây thảm họa không lường hết được. Do đặc điểm địa hình, Nghệ An hiện có 1.061 hồ, là tỉnh có nhiều hồ chứa nhất so với các tỉnh trong cả nước. Các hồ chứa Nghệ An phần lớn đã 50-60 năm sử dụng. Công tác thiết kế vào thời đó dựa trên tài liệu thủy văn ngắn, tiêu chuẩn an toàn lũ thấp, nhiều hồ xây dựng bằng thủ công, sau này được nâng cấp trên nền móng cũ. Ngoài các yếu tố thiên tai gây mất an toàn còn có nguy cơ nhìn từ công tác quản lý hiện nay, đó là trước khi ngành Thủy lợi sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện đều có phòng Thủy lợi, có từ 3 đến 5 cán bộ kỹ thuật thủy lợi, thì nay nhiều huyện không có cán bộ thủy lợi chuyên trách. Trong đó có huyện với chức năng quản lý nhà nước 180 hồ chứa nước, theo phân cấp phê duyệt phương án phòng chống bão lụt hồ chứa nước trên địa bàn huyện.
- Mô hình quản lý tài nguyên nước và thể chế, chính sách
Mô hình quản lý tài nguyên nước và thể chế, chính sách còn bộc lộ nhiều bất cập, hết sức phân tán, chưa rõ trách nhiệm đến cùng.
Một số nhiệm vụ và giải pháp
Kết luận số 36/KL-TW của Bộ Chính trị đề ra 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, cụ thể:
Một là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập hồ chứa nước trong tình hình mới;
Hai là hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Trong đó sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.
Ba là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước.
Bốn là chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.
Sáu là phòng chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu.
Bảy là nghiên cứu, phát triển, ứng dụng hoa học và công nghệ.
Tám là tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Chín là đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đảm bảo an ninh nguồn nước.
Để thực hiện có hiệu quả kết luận của Bộ chính trị, trong phạm vi bài viết, tác giả xin đề xuất một số ý kiến cần được quan tâm đối với địa bàn tỉnh Nghệ An:
Thứ nhất: Cần bố trí cán bộ kỹ thuật thủy lợi trên địa bàn các huyện còn thiếu.
Thứ hai: Chống nguy cơ sa mạc hóa vùng Nam - Hưng - Nghi - Thành phố Vinh bằng công trình nâng mực nước sông Lam trước cống Nam Đàn đảm bảo lấy nước cho các trạm bơm điện trên hệ thống thủy lợi Nam Nghệ An hoạt động.
Thứ ba: Xử lý các vi phạm lấn chiếm hành lang thoát lũ và xử lý vi phạm làm ô nhiễm nguồn nước như xả nước thải bẩn, vứt xác súc vật chết xuống sông, suối và công trình thủy lợi.
Thứ tư: Đánh giá tác động môi trường khi phê duyệt đầu tư công trình thủy điện.
Thứ năm: Kiểm tra, đánh giá chất lượng và có kế hoạch tu sửa, nâng cấp các hồ chứa nước.