Ngày 28/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường Diên Hồng về kinh tế - xã hội và ngân sách; tổng kết Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội chiều 28/10. Ảnh: Quang Khánh
KIẾN NGHỊ 3 GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN
Phát biểu thảo luận chiều 28/10, bà Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An trao đổi thêm một số nội dung để Chính phủ xem xét, cân nhắc và có các giải pháp quyết liệt hơn trong trong thời gian tới.
Trước hết, về công tác thông tin, tuyên truyền, vị đại biểu Đoàn Nghệ An đánh giá cao việc thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Việc này có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đáp ứng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai minh bạch và khả thi. Lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trọng tâm trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Và đảm bảo được khâu đầu tiên trong xây dựng, phổ biến và thực hiện chính sách pháp luật, làm rõ thêm bản chất pháp lý, bản chất xã hội, thỏa mãn điều kiện cần và đủ để “cuộc sống đi vào luật và luật đi vào cuộc sống”, nói cách khác là “ý Đảng hợp lòng Dân”.
Qua đó góp phần khắc phục điều mà lâu nay chúng ta thường hỏi, đó là “Luật có đi vào cuộc sống hay không?” hay “Ý Đảng có hợp với Lòng dân không?”mà chưa có nhiều quan tâm về giải pháp để trả lời câu hỏi “Cuộc sống đã đi vào luật hay chưa?” hay là “Mong muốn, nguyện vọng của người dân đã đi vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hay chưa?”.
Cũng theo đại biểu Võ Thị Minh Sinh: Thời gian qua, Đề án này đang được Chính phủ tổ chức triển khai rất tích cực và khả quan, đã đấu tranh, ngăn chặn phản bác ngay thông tin giả, xấu, độc và kịp thời tuyên truyền, định hướng dư luận Nhân dân, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đồng thuận cao trong xã hội.
Có thể kể đến trang Fanpage “Thông tin Chính phủ” với lượng theo dõi, tương tác của nhân dân ngày càng tăng cao và đã luôn đồng hành với cơ sở, nhân dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống.
Bà Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Khánh
Để công tác truyền thông chính sách có hiệu quả, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị Chính phủ 3 giải pháp gồm: Có quy định về việc lập, quản lý và hoạt động của các trang Fanpage chính thống của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trên nền tảng mạng xã hội.
Cùng với đó đánh giá lại kết quả lấy ý kiến của Nhân dân trên các trang Thông tin điện tử của Chính phủ và các bộ, ngành trong thời gian qua. Mặt khác, ngoài hồ sơ góp ý, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên thì bổ sung thêm Báo cáo kết quả lấy ý kiến của người dân công khai trên Cổng thông tin điện tử/Trang fanpage..., giải trình việc tiếp thu ý kiến của người dân trong hồ sơ tài liệu trình ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.
CẦN GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC, CĂN CƠ ĐỂ SỐNG CHUNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Về công tác phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Võ Thị Minh Sinh rất đồng tình với các ý kiến 5 đại biểu đã phát biểu ngày hôm qua của đoàn Quảng Trị, Sóc Trăng, Long An, Phú Yên và Bắc Cạn, cũng như các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ.
Theo đó, đại biểu ủng hộ cao quan điểm “ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ, giải quyết hậu quả thiên tai, bão lũ, nhất là các hộ nghèo và hộ gặp hoàn cảnh khó khăn; bằng mọi giải pháp để chăm lo cho người nghèo đón Tết Nguyên đán 2023”.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận chiều 28/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Bày tỏ lo lắng với dự báo về “Rủi ro từ biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan” mà sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có nhấn mạnh thêm là “gay gắt, phức tạp và mang tính sống còn”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An xúc động nói: “Tôi tin, không chỉ riêng tôi, mà tất cả chúng ta đều lo ngại mỗi khi mùa mưa bão đến, đặc biệt là những người dân ở các địa phương của chúng tôi. Đó không còn là cảm giác “lo ngại” mà là “luôn lo sợ”. Có lẽ cụm từ “sống chung với lũ” được bắt nguồn từ các tỉnh miền Trung - “khúc ruột” của dải đất hình chữ S mỗi lần “quặn đau” thì trái tim của cả nước “ứa máu”.
Nêu dẫn chứng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An từ năm 2011 đến nay, chỉ trong 11 năm mà có đến 5 cơn lũ quét, trong đó có 3 cơn lũ quét kinh hoàng. Đó là năm 2011, 2018 và rạng sáng ngày 2/10 vừa qua là “Cơn lũ kinh hoàng trong lịch sử”; “Lũ chồng lũ” và biết đến bao giờ mới “an cư” nếu như không có các Khu tái định cư cho người dân?!.”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh chuyển tải điều mong muốn thiết tha nhất của người dân vùng thiên tai ở Nghệ An hay các vùng thường xuyên chịu thiên tai, bão lũ khác của cả nước lên diễn đàn Quốc hội là “an cư lạc nghiệp”.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận chiều 28/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Trên cơ sở đó, vị đại biểu Đoàn Nghệ An kiến nghị Chính phủ cần có ngay những giải pháp mang tính chiến lược, căn cơ đối với các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng thường xuyên của bão, lũ, lụt, ngập mặn để người dân không chỉ “sống chung với lũ”, “sống chung với mặn” mà thích nghi để “sống chung với biến đổi khí hậu” bền vững.
Cùng với đó cần đánh giá nghiêm túc, kỹ lưỡng về chất lượng công tác thông tin, dự báo thiên tai và việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều gắn với hoàn thiện xây dựng Luật Phòng thủ dân sự; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai theo Nghị định 78 ngày 01/8/2021 của Chính phủ.
Mặt khác theo đại biểu, cần thống kê về tổng thiệt hại do thiên tai gây ra chiếm bao nhiêu % so với GDP mỗi năm, để có cơ sở thuyết phục hơn khi lập và phân bổ dự toán tăng chi dự phòng ngân sách Nhà nước để thực hiện phòng chống thiên tai, đồng thời có tiêu chí đặc thù ưu tiên phân bổ nội dung này cho các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Mặt khác cần có sự phối hợp lồng ghép chặt chẽ, nhịp nhàng trong việc phân bổ các nguồn lực.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận chiều 28/10 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhân dân và các công trình của Nhà nước.
Tại diễn đàn Quốc hội và qua làn sóng truyền hình, phát thanh trực tiếp, bằng sự trân quý và cảm kích, đại biểu Võ Thị Minh Sinh trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành Trung ương; các tỉnh, thành, Nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài; các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm; các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và cộng đồng mạng xã hội đã dành nhiều tình cảm tốt đẹp, sự chia sẻ, lan tỏa, giúp đỡ kịp thời, vô cùng quý báu cả về vật chất và tinh thần đối với Nhân dân và Đảng bộ tỉnh Nghệ An.
“Đây nguồn động viên hết sức to lớn giúp đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ vững tin, vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cảm kích nói.
Thành Duy - Phan Hậu