Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri huyện Hưng Nguyên sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
ĐBQH gồm các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
KIẾN NGHỊ NHIỀU NỘI DUNG VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH
Tại hội nghị, cử tri các xã bày tỏ đồng tình cao với kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, những kết quả hoạt động của đoàn ĐBQH Nghệ An tại kỳ họp; đồng thời nêu lên những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị với các vị ĐBQH.
Ông Lê Sỹ Lệ, cử tri xã Hưng Thông nêu thực trạng khó khăn trong hoạt động của hợp tác xã; qua đó đề nghị có giải pháp để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế hợp tác xã.
Còn cử tri Trần Văn Thuật, xã Hưng Thông đề nghị bố trí nguồn kinh phí cải tạo, nâng cấp đường 542C (đường 12/9 cũ) vì lưu lượng giao thông lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; xây dựng kè sông 12/9 để đảm bảo cảnh quan môi trường, công tác tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước mùa mưa lũ.
Ông Thuật chia sẻ với sự cần thiết thi công đường bộ cao tốc Bắc - Nam, song đề nghị quá trình thi công đoạn qua địa bàn cần quan tâm công tác đảm bảo môi trường, đặc biệt là chống bụi.
Bày tỏ những trăn trở về tình trạng người nông dân “chán ruộng”, cử tri Hoàng Văn Hồng, xã Hưng Thông chỉ ra nguyên nhân là do khi cân đối, làm ruộng cho thu nhập không cao bằng các nghề khác nên người dân không còn mặn mà; cùng với đó giá phân bón, dù có giảm nhưng còn vẫn cao; thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi, không đảm bảo chất lượng; sản phẩm lúa gạo khó tiêu thụ, hoặc tiêu thụ được thì giá rẻ; do đó cần có giải pháp để khắc phục.
Ông Hoàng Văn Hồng cũng đề nghị quan tâm công tác truyền thông vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân, hộ gia đình. Vị cử tri của xã Hưng Thông cũng đánh giá cao chủ trương đưa Công an chính quy về xã đã góp phần quan trọng bảo vệ yên bình cho cuộc sống. Ở cấp Trung ương cũng đã đưa nhiều vụ án lớn ra ánh sáng; đây là điều được cử tri Hồng đánh giá cao.
Ông Hồ Văn Quang, xã Hưng Tân bày tỏ phấn khởi khi nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, đặc biệt là chế độ của cán bộ không chuyên trách ở cấp xã; khối, xóm được nâng lên; tình trạng cắt điện đã được khắc phục; đồng thời đề nghị, tiếp tục có những chủ trương để vừa ủng hộ, vừa khích lệ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Chia sẻ nguyện vọng với các ĐBQH, cử tri Hồ Văn Quang đánh giá cao Quốc hội, các vị ĐBQH đã nắm bắt tình hình ở cơ sở kịp thời. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề đặt ra là cần quá trình giải quyết như thế nào? Ông cho rằng, các cấp, đặc biệt là cấp xã, cấp huyện cần tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề của nhân dân, không chờ cấp trên.
Đánh giá việc phát huy dân chủ ngày càng cao, ông Hồ Văn Quang mong muốn, mỗi người đại biểu dân cử xác định trách nhiệm của mình để tiếp tục đồng hành với người dân, đặc biệt là nâng cao đời sống, trong đó có chủ trương đúng cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tại hội nghị, cử tri cũng nêu nhiều ý kiến liên quan đến thực hiện các chế độ, chính sách cho gia đình liệt sĩ, người có công; triển khai hỗ trợ cho gia đình người có công làm nhà; việc giấy đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;…
Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Hưng Nguyên đã trình bày tổng hợp tâm tư nguyện vọng của cử tri huyện như: Đề nghị giao cho một ngành vừa vận động, vừa quản lý quỹ cho công tác đền ơn đáp nghĩa để đảm bảo chặt chẽ hơn; thay vì quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chịu trách nhiệm vận động nguồn lực cho công tác đền ơn đáp nghĩa và trong khi giao Phó Chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban quản lý như hiện nay; đề nghị Quốc hội nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi chính sách liên quan đến chế độ của cán bộ chuyên trách HĐND các cấp và chế độ phụ cấp cho trưởng, phó các ban HĐND cấp xã.
Cử tri huyện Hưng Nguyên cũng đề nghị, Chính phủ quy định rõ hình thức khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với các chức danh đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách, nhằm tạo điều kiện cho cơ sở trong quá trình xử lý các sự vụ diễn ra trong quá trình hoạt động; đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu để phù hợp với các đối tượng khi triển khai chủ trương chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách, an sinh xã hội; xử lý kịp thời các thông tin không chính xác, nhạy cảm vẫn phát tán, lan truyền rộng rãi, công khai mà chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, gây nhiễu thông tin trên các mạng xã hội;…
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và UBND huyện Hưng Nguyên đã trả lời, làm rõ các nội dung thuộc thẩm quyền được các cử tri phản ánh, kiến nghị.
SẼ NGHIÊN CỨU XEM XÉT CƠ CẤU TỔ CHỨC CÁN BỘ Ở KHỐI, XÓM
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt các ĐBQH, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đã thông tin đến tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh 6 tháng đầu năm.
Theo đó, mặc dù chịu tác động trong bối cảnh khó khăn chung, song tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn đạt 5,79%, cao hơn bình quân cả nước; trong đó có nhiều điểm sáng như thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài Nghệ An đứng thứ 8 cả nước với hơn 725 triệu USD; kết quả xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng; công tác lãnh đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm.
Văn hóa - xã hội cũng có nhiều điểm sáng, đặc biệt giáo dục mũi nhọn tiếp tục duy trì tốp đầu cả nước, chương trình giáo dục phổ cập được chăm lo và củng cố; lĩnh vực y tế đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ; tỉnh đã triển khai chương trình vận động, hỗ trợ làm nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở, riêng năm 2023, dự kiến sẽ hoàn thành 5.500 nhà. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, kết quả trên có được là từ sự đồng lòng, cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhân dân toàn tỉnh trong đó có hệ thống chính trị và nhân dân Hưng Nguyên.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đã trả lời, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại hội nghị tập trung vào 2 nhóm vấn đề là xem xét điều chỉnh, bổ sung chế độ, chính sách cho người có công, đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở và công tác vệ sinh môi trường, phát triển hạ tầng, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; dấu hiệu có sai sót về giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt đối với ý kiến nhiều cử tri đề nghị cấp có thẩm quyền nâng chế độ cho người trực tiếp chăm lo thờ cúng cho liệt sĩ và nâng chế độ cho người có công, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An ghi nhận và tiếp thu để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, cân nhắc trong bối cảnh mới là vừa điều chỉnh nâng lương cơ bản; đồng thời sẽ kiến nghị để xem xét, chính sách trong quá trình điều chỉnh lương hưu đối với đối tượng là cán bộ cấp xã đã nghỉ hưu có từ 25 đến dưới 30 năm công tác vì hiện lương hưu thấp.
Cho rằng kiến nghị của cử tri cần thiết có chức danh xóm phó ở cở sở là thỏa đáng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An cho biết tiếp thu và tỉnh sẽ nghiên cứu cụ thể Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và các văn bản pháp quy khác để xem xét cơ chế chính sách, cơ cấu tổ chức ở khối, xóm, thôn, bản, tổ dân phố một cách phù hợp nhất.
Đối với nhóm vấn đề thứ 2, đặc biệt là giải quyết vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận định, đây là vấn đề lớn cần phải giải quyết căn cơ. Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải với công nghệ tiên tiến để giải quyết vấn đề này;…
Thành Duy