Sáng 25/5, tiếp tục chương trình làm việc, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại tổ cùng đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Giang và Khánh Hòa.

bna_z3440160478400_ed49b342164b76d89136ed0942619a763356578_2552022--n1.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phan Hậu

SỐ HÓA DỮ LIỆU HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO

Liên quan đến các nội dung về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Đoàn Nghệ An đã có nhiều ý kiến. Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội ghi nhận thành tích của Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo vị đại biểu Đoàn Nghệ An, cần đánh giá rõ hơn những hạn chế của nền kinh tế, đặc biệt khi đánh giá tăng trưởng GDP không đạt được như kế hoạch, cần chỉ ra ngành, lĩnh vực không đạt được; thuộc trách nhiệm bộ, ngành cụ thể chứ không đánh giá chung chung.

bna_z3440184196804_1cafae2744a8067cb543aed2ddc276a7718351_2552022.jpg
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Liên quan vấn đề này, về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, theo tướng Thuận, Chính phủ cần đánh giá kỹ tình hình tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh giá cả tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đặc biệt là tác động cuộc chiến giữa Nga - Ukraine.

“Trong bối cảnh này, cần sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và đặc biệt sự chỉ đạo rất quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ; cần phải xác định rõ các ngành, lĩnh vực hiện còn gặp nhiều khó khăn trong phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid -19; qua đó có giải pháp cụ thể”, ông nói.

Đối với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Thiếu tướng Trần Đức Thuận đề nghị Chính phủ quản lý, chỉ đạo với tinh thần không giàn trải; đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả; đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai, nếu phát hiện tham nhũng, lãng phí phải xử lý nghiêm khắc.

“Trường hợp nào để xảy ra thất thoát, lãng phí, lạm dụng phải xử lý nghiêm”, tướng Thuận nói và đề nghị phải có cơ chế, chỉ đạo để “rung chuông từ bây giờ”; qua đó những người có trách nhiệm trong quá trình triển khai nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia phải ý thức cao việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

bna_z3440515643258_39233bbb65c2928ba7dcaa70866ac16b7700800_2552022.jpg
Đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Liên quan đến công tác thu chi ngân sách, qua phân tích diễn biến, tình hình của năm 2021, đại biểu Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị, tất cả các cơ quan liên quan cần hết sức lưu ý để có thể đảm bảo sử dụng được nguồn lực có kế hoạch đưa vào nền kinh tế hiệu quả trong các năm 2022, 2023.

Còn đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An qua phân tích năm 2021, cả nước có 7/12 chỉ tiêu đạt, trong đó có chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo; tuy nhiên chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động lại không đạt. Theo nữ đại biểu Đoàn Nghệ An, điều này chỉ ra vấn đề là dù số lượng đạt nhưng chất lượng chưa đạt. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ mối quan hệ này cũng như chất lượng đào tạo gắn với địa chỉ của số lao động đã được đào tạo.

bna_z3440770164131_96c2c861c5881bdf620fb73a0886cc539155324_2552022.jpg
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Liên quan đến công tác giảm nghèo, đại biểu Võ Thị Minh Sinh bày tỏ băn khoăn khi tiếp cận nghèo theo tiêu chí đa chiều thì tỷ lệ còn cao, nhất là ở các xã biên giới trong cả nước. Theo đại biểu, cần có giải pháp chiến lược cho đồng bào vùng biên giới; gắn với đó, đề nghị phải có thay đổi chính sách để các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, tránh tâm lý trông chờ ỷ lại, chịu khổ được nhưng chịu khó lại không được.

Đặc biệt, theo đại biểu Võ Thị Minh Sinh, cần tích cực hơn nữa trong việc có các giải pháp chuyển đổi số, đặc biệt là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhu cầu các hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp xóa nghèo bền vững.

ĐÁNH GIÁ SÂU SẮC HƠN VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỂ CHẾ

Một vấn đề mà ý kiến đại biểu Đoàn Nghệ An tập trung đề cập là cải cách thể chế. Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá, lần đầu tiên sau nhiều nhiệm kỳ, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của cải cách thể chế ở nước ta là rất rõ ràng. Việc cải cách thể chế cũng đã xác định các mục tiêu rất cụ thể như phân cấp, phân quyền, nâng cao thể chế về kinh doanh; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; cách làm trong nhiệm kỳ này cũng rất quyết liệt.

bna_z3440410516343_70513611a7cb6e52b1581f5dc5d54bb7113318_2552022.jpg
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Tuy nhiên, theo vị đại biểu Đoàn Nghệ An, số lượng, chất lượng của thể chế đang còn có những vấn đề băn khoăn. Dẫn số liệu từ năm 1996 đến nay, trung bình mỗi năm Quốc hội chỉ ban hành 15 dự án luật. Nếu vẫn giữ tốc độ này thì trong nhiệm kỳ khóa XV rất khó để Quốc hội hoàn thành được mục tiêu xây dựng pháp luật.

Mặt khác, về chất lượng của thể chế có nhiều vấn đề cần phải xem xét khi một số luật mới ban hành đã đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong 50 năm qua trên thế giới chỉ có 18 nước vượt qua được bẫy thu nhập trung bình như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Bài học quan trọng nhất là các nước này nâng cao chất lượng thể chế, đặc biệt là thể chế phát triển kinh tế thị trường. Do đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ nên có đánh giá sâu sắc hơn về công tác cải cách thể chế.

bna_z3440774174417_1c6fe1de02fe3883147946d807f019e81162994_2552022.jpg
Đại biểu Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, hệ thống cơ chế chính sách của nước ta trong các lĩnh vực rất đồng bộ, nhưng vấn đề phối hợp chính sách, lựa chọn ưu tiên nội dung nào trước cần phải cân nhắc. Theo đại biểu, trong báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội đang tập trung rất nhiều đến phát triển các ngành kinh tế truyền thống mà chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến các lĩnh vực có nhiều tiềm năng và có thể phát huy thế mạnh trong tương lai, đặc biệt đối với ngành Văn hóa. Đây là nội dung mà đại biểu đề nghị cần phải xem xét.

Trong chương trình làm việc, các đại biểu thảo luận về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.