Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 16. Ảnh: Phan Hậu
Các đại biểu tập trung thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023; Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu Đoàn Nghệ An Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 16. Ảnh: Quang Khánh
Theo đó, các đại biểu ghi nhận những kết quả kinh tế - xã hội của cả nước đạt được từ đầu năm 2022 đến nay, đồng thời trao đổi, nêu lên những ý kiến trên nhiều lĩnh vực. Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đồng tình với báo cáo của Chính phủ trong việc ưu tiên tập trung các nguồn vốn để giải quyết hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt vừa qua.
Tuy nhiên, trước thực trạng lũ lụt xảy ra liên tục ở miền Trung thời gian gần đây, đặc biệt là những khó khăn của hàng trăm hộ dân ở huyện Kỳ Sơn do lũ quét đầu tháng 10, nữ đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị Chính phủ cần có sự quan tâm đặc biệt để có giải pháp ổn định lâu dài cho người dân.
Nhìn rộng ra toàn khu vực miền Trung, đại biểu cho rằng cần có giải pháp đồng bộ để nghiên cứu rủi ro về thiên tai, từ đó có giải pháp triệt để hơn; cũng như chú ý quan tâm đến công tác cứu hộ, cứu nạn hơn nữa.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 16. Ảnh: Phan Hậu
Ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có sự phối hợp giải quyết các kiến nghị, đặc biệt là kiến nghị chính đáng, trong đó có cử tri vùng thủy điện Bản Vẽ đã kiến nghị từ Quốc hội khóa XIV nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ở khía cạnh khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu - đại biểu Đoàn Nghệ An cho rằng, bên cạnh xem xét nâng lương cho cán bộ, công chức, viên chức cũng cần nghiên cứu để bổ sung thêm chế độ đối với cán bộ thôn, tổ dân phố.
Ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 16. Ảnh: Phan Hậu
Hiện nay, theo Nghị định 34, chế độ hỗ trợ cho đối tượng này còn thấp, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng, nếu kiêm nhiệm chức danh thì cao hơn nhưng vẫn chưa tương xứng, nhất là trong bối cảnh khối lượng công việc tăng lên do triển khai nhiều chủ trương, chính sách về cơ sở, đặc biệt khi thời gian tới Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được thông qua và đi vào cuộc sống; cũng như sáp nhập thôn, tổ dân phố thời gian qua dẫn đến cán bộ thôn, tổ dân phố nghỉ việc nhiều.
Trên cơ sở đó, ông Hoàng Minh Hiếu đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo điều tra hiện trạng, cũng như nghiên cứu lại Nghị định số 34 để tăng mức chi cho cán bộ thôn, tổ dân phố. Mặt khác, về lâu dài, nước ta cần nghiên cứu để xây dựng mô hình hoạt động ở thôn, tổ dân phố hiệu quả hơn.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu – đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 16. Ảnh: Quang Khánh
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị Chính phủ cần làm rõ vai trò, trách nhiệm cán bộ chủ trì của các cơ quan trong triển khai các dự án đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Đặc biệt, liên quan đến 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xóa đói giảm nghèo bền vững), Thiếu tướng Thuận cho rằng việc triển khai thực hiện vẫn còn chậm, trong khi đây là các chương trình rất nhân văn của Đảng, Nhà nước triển khai đến người dân, đặc biệt là người dân còn khó khăn.
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 16. Ảnh: Phan Hậu
Thiếu tướng Trần Đức Thuận cũng đặc biệt lưu ý, Chính phủ cần tăng cường công tác chỉ đạo, các cấp chính quyền ở địa phương tăng cường kiểm tra, sâu sát để đảm bảo hiệu quả đồng vốn, không để tiêu cực xảy ra khi triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
“Cái gì chúng ta thực hiện được theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thì phải khuyến khích vì rất sát với người dân”, ông gợi ý giải pháp, đồng thời bày tỏ quan điểm cần xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra thất thoát.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH đoàn Nghệ An cũng thảo luận sôi nổi nhiều nội dung khác, như công tác tài chính - ngân sách liên quan đến xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2023; Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, dạy ngoại ngữ trong nhà trường…
Thành Duy-Phan Hậu