Đại biểu Quốc hội đề nghị điều tiết khoản thu từ khai thác khoáng sản phục vụ an sinh xã hội tại địa phương có mỏ
Ngày 20/6, trong chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản; dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn và Quảng Ngãi. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì, điều hành thảo luận.
THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TRONG THỰC TIỄN
Phát biểu thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình với việc sửa đổi Luật Khoáng sản lần này đã bổ sung thêm nội dung liên quan đến quy định về địa chất vì hai lĩnh vực này có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Về thẩm quyền công nhận thăm dò khai thác khoáng sản, đại biểu cho rằng, dự thảo luật lần này đã quy định thống nhất thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khai thác khoáng sản chuyển giao về cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, khác với trước đây còn có thêm Hội đồng về đánh giá kết quả thăm dò khoáng sản và trên cơ sở kết quả của Hội đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới trình Thủ tướng Chính phủ.
“Để Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về quản lý hoạt động khoáng sản, như vậy sẽ chịu trách nhiệm thẩm định, công nhận kết quả thăm dò khoáng sản, trách nhiệm quản lý cấp phép, phê duyệt các đề án thăm dò khoáng sản”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Nghệ An phân tích.
Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hai quan điểm nên thu hay không thu. Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình với quan điểm của Chính phủ: khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện, do vậy, nhà đầu tư phải trả kinh phí khi thực hiện quyền khai thác; đồng thời đây là tài sản công và chiếu theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cũng đã có quy định;… Do đó, việc tiếp tục thu tiền khai thác khoáng sản là phù hợp, góp phần đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Đối với phương pháp xác định, phương pháp thu kinh phí cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, trong dự thảo luật lần này, quy định đã tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn hiện nay, theo đó doanh nghiệp sẽ được nộp hàng năm nên sẽ giảm áp lực tài chính tại thời điểm ban đầu triển khai. Việc quyết toán kinh phí cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng thực tế cũng sẽ giúp giải quyết được việc chênh lệch giữa trữ lượng thăm dò và sản lượng thực tế.
“Trước đây, chúng ta thường tính kinh phí thu theo trữ lượng thăm dò, song trữ lượng thăm dò nhiều lúc chưa chính xác và quá trình khai thác còn phụ thuộc năng lực”, đại biểu phân tích.
Ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An tán thành sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và khoáng sản: Đối với các hành vi bị cấm trong hoạt động địa chất, đại biểu cho rằng, dự thảo quy định “các hành vi khác theo quy định của pháp luật” là còn chung chung, không đúng với nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.
Qua đó, ông đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật để bổ sung đầy đủ, chi tiết các hành vi cần cấm trong hoạt động địa chất và khoáng sản.
Về quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, dự thảo quy định “chủ đầu tư lợi dụng việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác trái phép khoáng sản nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản”.
Vị đại biểu đoàn Nghệ An nhận định, quy định như trên là chưa đầy đủ, chưa tính đến việc khai thác làm thiệt hại nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại hay không? hoặc trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm pháp luật nghiêm trọng và hành vi đó cấu thành tội phạm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? cho nên đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát có quy định chặt chẽ hơn.
Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản gồm 117 điều, song theo thống kê sơ bộ, đại biểu Trần Nhật Minh cho biết, có trên 50 điều, khoản giao Chính phủ quy định chi tiết và một số điều khoản khác giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết.
Ông cho rằng, tỷ lệ như vậy là chưa hợp lý, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, rà soát lại để hạn chế tối đa việc giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời cần quy định cụ thể đến mức tối đa các nội dung đang giao cho Chính phủ trong dự thảo luật.
ĐIỀU TIẾT KHOẢN THU TỪ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN CHO ĐỊA PHƯƠNG CÓ MỎ RẤT HỢP LÒNG DÂN
Đối với dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An nhận định, dự thảo có nhiều điểm mới, tiếp thu ý kiến của người dân và doanh nghiệp, để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên.
Từ kinh nghiệm thực tế từng làm lãnh đạo ở Quỳ Hợp, địa phương có nhiều hoạt động khai thác khoáng sản, đại biểu Võ Thị Minh Sinh chia sẻ: Dự án mỏ khoáng sản hầu hết ở miền núi, đó là những địa bàn cơ bản người dân còn nghèo, nguồn thu ngân sách rất khó, kể cả thu những dự án khoáng sản cũng không đủ bù cho các khoản chi trên địa bàn liên quan đến rủi ro, ảnh hưởng khai thác khoáng sản.
Do vậy, vị đại biểu đoàn Nghệ An đánh giá cao quy định: Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản.
Theo đó, địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, như tại huyện Quỳ Hợp, việc xuất hiện các hố tử thần, nhà dân bị nứt do ảnh hưởng của khai thác khoáng sản nhưng không có nguồn để xử lý, vị đại biểu đoàn Nghệ An thiết tha đề nghị bổ sung thêm nội dung điều tiết khoản thu trên cho địa phương giải quyết rủi ro về môi trường và an sinh xã hội.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cũng nêu lên trăn trở về việc hoàn thổ khi đóng cửa mỏ khoáng sản vẫn còn ít thực hiện “dẫn đến ảnh hưởng cuộc sống người dân, thậm chí mất luôn cả đất lúa, không thể nào sản xuất được”; qua đó đề nghị tăng quy định số tiền doanh nghiệp phải nộp trước để phục vụ hoàn thổ, phục hồi môi trường.
Liên quan đến quy định thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; theo Tổng Cục thống kê, từ năm 2014 - 2023, cả nước thu được khoảng 55.887 tỷ đồng, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường thu 27.887 tỷ đồng, UBND cấp tỉnh thu khoảng 28.000 tỷ đồng.
Nội dung dung này, theo quan điểm cá nhân, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, nên bỏ khoản thu này, đồng thời xem xét lồng vào tăng mức thuế tài nguyên khoáng sản để bù đắp ngân sách Nhà nước.
Lý giải cho ý kiến trên, đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ xóa bỏ tâm lý của doanh nghiệp phải nộp “thuế chồng thuế” khi vừa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, vừa nộp thuế tài nguyên; đồng thời đảm bảo nguyên tắc tất cả các nghĩa vụ tài chính đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đều phải được thực hiện trong các khoản thuế, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng nêu một số ý kiến thảo luận liên quan đến quy định chế biến sâu khoáng sản, cấp phép công suất khai thác;…
Trước đó, vào đầu giờ làm việc chiều nay, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; dự án Luật Địa chất và khoáng sản.
Thành Duy - Thu Nguyễn