Tác phẩm điện ảnh Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng xoay quanh nhân vật bé An đi tìm cha giữa bối cảnh cuộc nổi dậy chống Pháp của người miền Nam đầu thế kỷ 20.
Bên cạnh những ý kiến khen phim cảm xúc, có ý kiến cho rằng phim làm "sai lệch lịch sử" khi "nâng tầm vai trò của Thiên Địa Hội".
Vấn đề kiểm duyệt phim và phóng tác dựa trên các tác phẩm mang tính lịch sử lần nữa lại được đặt ra. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với VietNamNet xung quanh câu chuyện này.
- Dư luận đang xôn xao việc phim 'Đất rừng phương Nam' có chi tiết bị cho là nhạy cảm làm sai lệch lịch sử, ông có nhận định gì?
Sáng tạo nghệ thuật dựa trên chất liệu lịch sử luôn là chủ đề nhạy cảm và gây tranh cãi, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Tôi nhớ Hội đồng Lý luận Văn học Nghệ thuật Trung ương đã từng tổ chức một hội thảo và sau đó in thành sách năm 2013 về Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử, cho thấy đây là một chủ đề rất quan trọng và không phải lúc nào chúng ta cũng thống nhất với nhau.
Theo tôi, điểm quan trọng ở đây là phim lịch sử gồm 2 yếu tố: Thứ nhất là nghệ thuật (điện ảnh/phim); Thứ hai là lịch sử.
Đối với những người coi trọng yếu tố nghệ thuật, lịch sử chỉ được xem là cái cớ, sự kiện hay như ai đó nói rằng là “cái đinh để móc chiếc áo nghệ thuật”. Nếu nghệ thuật chỉ tuân thủ hoàn toàn máy móc các sự kiện lịch sử sẽ trở nên nhàm chán, ở điện ảnh đó chỉ là phim tư liệu.
Ngược lại, đối với những người đề cao tính chân thực lịch sử thì làm phim phải tôn trọng tối đa các dữ kiện, bối cảnh lịch sử. Nếu bóp méo những sự thật lịch sử này sẽ khiến công chúng hiểu sai về lịch sử, giá trị mà lịch sử đem lại cho đất nước, từ đó tạo ra những hệ lụy không mong muốn khác.
Với tôi, cả hai quan điểm này đều có những lý lẽ riêng. Tốt nhất là kết hợp được cả hai lợi thế của nghệ thuật và lịch sử để tác phẩm nghệ thuật vừa chân thực, vừa hấp dẫn. Dù vậy việc đi giữa 2 lằn ranh, hài hòa cả hai quan điểm luôn rất khó khăn.
Trở lại với bộ phim Đất rừng phương Nam, điều tôi thấy tích cực là xu hướng khai thác chất liệu lịch sử cho nghệ thuật những năm vừa qua. Ngay trong năm 2023, chúng ta thấy có phim Đào, Phở và Piano, Hồng Hà nữ sĩ (là những phim do Nhà nước đặt hàng) và đặc biệt là Đất rừng phương Nam, trong âm nhạc, mỹ thuật thì có khá nhiều.
Điều này cho thấy các nghệ sĩ đã thực sự quan tâm đến việc khai thác những giá trị lịch sử văn hóa dân tộc để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật của người Việt Nam, vì người Việt Nam và cho người Việt Nam. Như vậy, từ những quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã chuyển biến thành những hành động cụ thể trong cuộc sống. Vì thế, chúng ta cần chung tay, cổ vũ cho xu hướng tích cực này.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên dễ dãi trong việc diễn giải lịch sử thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Tôi thấy, hầu như không có sản phẩm nghệ thuật nào không tìm thấy hạt sạn về lịch sử. Điều quan trọng là thái độ cầu thị của chúng ta đối với những sai sót đó. Tôi thấy, đơn vị sản xuất phim Đất rừng phương Nam thực sự đã có thái độ cầu thị đó khi cùng Cục Điện ảnh thẩm định lại, có ý kiến về những chi tiết lịch sử gây tranh cãi, từ đó có những chỉnh sửa phù hợp hơn.
- Từ 'Đất rừng phương Nam', dư luận lần nữa lại bàn tới khâu kiểm định phim của Hội đồng duyệt phim "có vấn đề", ý kiến của ông ra sao?
Tôi đánh giá cao nỗ lực của Cục Điện ảnh trong việc thể hiện trách nhiệm của mình, là tạo điều kiện đưa ra những bộ phim Việt Nam có chất lượng tốt nhất, có nội dung tư tưởng phù hợp. Việc Cục Điện ảnh lắng nghe ý kiến của dư luận, phối hợp cùng đơn vị sản xuất phim chỉnh sửa những chi tiết chưa hợp lý để tránh những liên tưởng không cần thiết, giúp đem lại cảm xúc trọn vẹn cho khán giả. Theo tôi, cũng là một cách phản ứng hợp lý, hợp tình với bối cảnh xã hội hiện nay.
Rõ ràng, chúng ta không chạy theo dư luận để giải quyết những vấn đề quản lý Nhà nước nhưng chúng ta cần lắng nghe dư luận điều chỉnh các quyết định quản lý của Nhà nước trong những trường hợp cụ thể. Điều đó không chứng minh các cơ quan quản lý Nhà nước sai vì ranh giới đúng - sai trong nghệ thuật khá mong manh.
Nhiều khi chúng ta cần sự đồng thuận và hợp lý hơn là tranh cãi đúng - sai khi thiếu tiêu chí thống nhất. Ngược lại, điều đó còn chứng minh sự tôn trọng, lắng nghe và cầu thị của các cơ quan quản lý Nhà nước để làm tốt trách nhiệm chính trị, xã hội của mình.
- Nhưng rõ ràng Cục Điện ảnh đã duyệt, vài chi tiết không vi phạm Luật Điện ảnh nhưng cả một ê-kíp phải ngồi lại rà soát chỉnh sửa lại theo dư luận liệu có hợp lý? Việc này nhiều người cho rằng sẽ hạn chế sự sáng tạo của các nhà làm phim, ông nghĩ sao?
Đó cũng là điều mà nhiều nghệ sĩ lo lắng. Chúng ta có nhiều quy định mang tính định tính. Vì vậy đôi khi phụ thuộc vào góc nhìn, quan điểm của người kiểm duyệt. Đều này đã gây ra nhiều tranh cãi, hoặc nhẹ hơn là sự không hài lòng giữa nhà sản xuất và cơ quan quản lý.
Đây cũng là một bước trong quá trình phát triển nghệ thuật ở nước ta. Tuy nhiên, tôi tin với đội ngũ cán bộ quản lý hiện nay, bằng nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của sáng tạo và tự do sáng tạo sẽ khuyến khích, động viên các nghệ sĩ làm ra nhiều tác phẩm có chất lượng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của khán giả và sự phát triển của đất nước.
- Để những tác phẩm phóng tác, hư cấu về đề tài lịch sử có thêm một cuộc sống mới trong xã hội hiện tại, theo ông cần phải làm gì?
Tôi nghĩ rằng, chúng ta rất cần tôn trọng lịch sử. Những gì thuộc về lịch sử đã được mọi người công nhận, ghi nhớ cũng phải là những chi tiết bắt buộc phải tôn trọng trong các sản phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, có rất nhiều những góc khuất, chi tiết không được nhắc tới trong lịch sử có thể trở thành chất liệu tuyệt vời, kho báu vô giá cho trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo không giới hạn của nghệ sĩ.
Điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng ta cần xác định các tác phẩm nghệ thuật không hoàn toàn là lịch sử. Tác phẩm nghệ thuật về lịch sử giúp quá khứ trở nên sống động và gần gũi hơn, trao gửi cho chúng ta những thông điệp giá trị từ cha ông.
Chúng ta ủng hộ, khuyến khích những nghệ sĩ khai thác chất liệu lịch sử để sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật, để lịch sử có thêm một cuộc sống mới trong xã hội hiện tại, viết tiếp giấc mơ quá khứ để lan tỏa thông điệp mạnh mẽ sang các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước.