Nhiều điểm mới, gắn với sự vận hành của Quốc hội điện tử

Quốc hội nhiều nước trên thế giới đã đưa vào vận hành các phòng họp thông minh với rất nhiều ứng dụng phục vụ cho tiến trình tổ chức phiên họp, giúp cho quá trình thảo luận, quyết định của Quốc hội trở nên rất thuận tiện, hiệu quả. Trong khi đó, các nghiên cứu gần đây cho thấy so với Quốc hội các nước thì mức độ hoàn thiện Quốc hội điện tử của nước ta mới xấp xỉ ở mức độ 3 trên 5 mức độ tiêu chuẩn xây dựng của Quốc hội điện tử.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, có thể nhận thấy, Dự thảo Nội quy kỳ họp sửa đổi trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua đã có nhiều điểm mới, gắn với sự vận hành của Quốc hội điện tử như quy định về việc sử dụng tài liệu điện tử, về các hình thức họp trực tuyến, biểu quyết và đăng ký phát biểu bằng hệ thống điện tử… Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu xây dựng Quốc hội điện tử, dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, đặc biệt là về các quy định có liên quan đến tư liệu, tài liệu phục vụ kỳ họp.

Trước hết là các quy định về biên bản kỳ họp, phiên họp. Về mặt pháp lý, biên bản phiên họp, kỳ họp có giá trị rất quan trọng, là cơ sở cho việc giải thích pháp luật và cũng là tài liệu quan trọng ghi lại lịch sử hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, hiện nay quy định của Dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội về biên bản kỳ họp, phiên họp (Điều 26) còn có những hạn chế như sau:

Thứ nhất, dự thảo chưa làm rõ mối quan hệ giữa bản gỡ băng ghi âm với biên bản chính thức của các phiên họp. Hiện nay, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, việc gỡ băng ghi âm các phiên họp Quốc hội đã được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác. Sau khi kết thúc phiên họp, Văn phòng Quốc hội còn tổ chức lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội về phần gỡ băng ghi âm của mình đã phát biểu để bảo đảm nội dung của bản gỡ băng ghi âm có tính chính xác cao. Tuy nhiên, theo dự thảo Nghị quyết thì bản gỡ băng ghi âm phiên họp chưa phải là biên bản chính thức của phiên họp do ngoài việc ghi lại các ý kiến phát biểu thì biên bản chính thức của phiên họp còn có các thông tin khác như thành phần tham gia, kết quả biểu quyết… Vì vậy, Dự thảo Nội quy nên quy định cụ thể về quy trình xây dựng Biên bản các phiên họp để vừa ghi nhận giá trị pháp lý của biên bản, vừa có thể tận dụng được việc gỡ băng ghi âm bằng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Thứ hai, dự thảo chưa quy định cụ thể về việc công bố các biên bản chính thức của kỳ họp, phiên họp. Hiện nay, các đại biểu Quốc hội mới chỉ được tiếp cận các bản gỡ băng ghi âm các phiên họp tổ, phiên họp toàn thể mà chưa được tiếp cận các biên bản chính thức của kỳ họp, phiên họp. Ngay cả với bản gỡ băng ghi âm các phiên họp thì hiện nay việc công bố cũng rất hạn chế. Thực tế trong hoạt động của Quốc hội, đã có khoảng thời gian bản gỡ băng ghi âm các phiên họp được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội để tiện cho việc tra cứu và phục vụ việc minh bạch hóa thông tin cho người dân.

Tuy nhiên, đến năm 2019, vì nhiều lý do khác nhau, các bản gỡ băng ghi âm phiên họp không còn được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội. Trong lần sửa đổi Nội quy kỳ họp này, đề nghị cần bổ sung nguyên tắc về việc công bố biên bản của kỳ họp, phiên họp để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.

toan-canh.jpgHội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) ngày 8.9 Ảnh: Hồ Long

Cần quy định về quyền tiếp cận các cơ sở dữ liệu quốc gia của đại biểu Quốc hội

Vấn đề thứ hai, về việc tiếp cận, kết nối các cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của Quốc hội nói chung và kỳ họp Quốc hội nói riêng. Hiện tại, dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã có quy định giao Văn phòng Quốc hội tổ chức vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để phục vụ kỳ họp (Điều 7). Tuy nhiên, quy định này là chưa đủ do các tài liệu, dữ liệu phục vụ hoạt động của Quốc hội có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu này, Nội quy Kỳ họp Quốc hội cần có quy định về quyền của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp cận các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Hiện nay chúng ta đang xây dựng rất nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đất đai, về doanh nghiệp, về tài chính, về bảo hiểm… nhưng chưa có quy định về việc đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được chủ động tiếp cận những dữ liệu tổng hợp của các cơ sở dữ liệu này. Thực tế, các dữ liệu này rất quan trọng đối với quá trình thẩm tra, hoạch định chính sách của các cơ quan của Quốc hội. Để có được các quyết định chính xác thì quá trình thảo luận, thẩm định chính sách của Quốc hội cần phải dựa trên dữ liệu. Hơn thế nữa, các dữ liệu này cũng là đầu vào rất quan trọng cho mục tiêu xây dựng Quốc hội điện tử. Một nguyên lý rõ ràng là không thể xây dựng được Quốc hội điện tử, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội nếu không có các nguồn dữ liệu cần thiết. Ở một khía cạnh khác, việc các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được tiếp cận các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng là điều kiện cần thiết để giám sát việc xây dựng các cơ sở dữ liệu này.

Vấn đề thứ ba là việc tạo lập, lưu trữ và phân tích các dữ liệu thống kê về kỳ họp Quốc hội. Đây là cơ sở rất quan trọng cho việc phân tích, đánh giá để có các quyết định chính xác về tổ chức và điều hành kỳ họp. Trước đây, công việc này đã được Văn phòng Quốc hội (Thư viện Quốc hội) thực hiện trong đó có rất nhiều số liệu thống kê rất hữu ích như mỗi năm Quốc hội có bao nhiêu phiên họp, mỗi phiên họp trung bình có bao nhiêu ý kiến phát biểu; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tổ chức bao nhiêu phiên họp, bao nhiều đoàn khảo sát, giám sát; trung bình Quốc hội cần mất bao nhiêu thời gian để thông qua một dự án luật… Đây là bộ chỉ số quan trọng để có thể sử dụng các công cụ công nghệ thông tin đánh giá kết quả của kỳ họp, qua đó đánh giá kết quả hoạt động của Quốc hội, dự báo xu hướng phát triển trong hoạt động của Quốc hội để phát huy hoặc điều chỉnh kịp thời.

Quốc hội các nước cũng thường có bộ chỉ số thống kê tương tự để đánh giá về hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do quan trọng là về nguồn lực và cơ sở pháp lý thì việc thống kê này không còn được duy trì. Do vậy, trong lần sửa đổi này, Nội quy Kỳ họp Quốc hội cần có quy định chính thức giao Văn phòng Quốc hội tổ chức tạo lập, lưu trữ, phân tích các số liệu thống kê về hoạt động của Quốc hội và có sự công bố phù hợp theo định kỳ hàng năm hoặc khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có yêu cầu.