Việc dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này không chỉ là một quy trình trong hoạt động lập pháp mà còn có ý nghĩa hệ trọng trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai nói chung và bảo đảm chất lượng cao nhất của dự luật này nói riêng.
Dự thảo trình Hội nghị là văn bản đã được chỉnh sửa sau khi tiến hành lấy ý kiến nhân dân; hơn 9 triệu lượt ý kiến góp ý cho thấy mối quan tâm đặc biệt của người dân tới dự thảo Luật này, cũng như khối lượng công việc vô cùng lớn mà các cơ quan hữu quan phải xử lý. Với việc huy động tối đa trí tuệ, chất xám của nhân dân, như vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chắc chắn có những sửa đổi quan trọng. Và các ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ là cơ sở để các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật với mục tiêu bảo đảm chất lượng cao nhất trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm.
Như các chuyên gia chính sách công, chuyên gia kinh tế đã chỉ ra trong quá trình đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thu hồi đất là chính sách cốt lõi trong lần sửa luật này, bởi hai lý do. Một mặt, thời gian qua, xung đột giữa người dân và chính quyền do chính quyền địa phương đứng ra thu hồi đất và không đền bù thỏa đáng là nguồn cơn lớn nhất của tranh chấp đất đai, tích tụ nhiều bức xúc và bất ổn xã hội. Mặt khác, thời gian tới, nhu cầu tập trung đất đai để phục vụ đô thị hóa, phát triển hạ tầng, phát triển công nghiệp và nông nghiệp hàng hóa là rất lớn và phần lớn phải lấy từ quỹ đất nông nghiệp.
Bởi vậy, sửa Luật Đất đai cần hướng vào mục đích đưa thị trường đất đai trở thành thị trường hàng hóa đúng nghĩa. Theo đó, đất (chủ yếu là đất nông nghiệp) được chuyển đổi thành tài nguyên phục vụ đô thị hóa, phát triển hạ tầng, phát triển công nghiệp và nông nghiệp hàng hóa nên thông qua con đường thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp. Các trường hợp thu hồi đất phải thu hẹp tối đa và chuyển sang “trưng mua” là tốt nhất. Như vậy sẽ bảo đảm thị trường đất đai thực sự minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm phát triển kinh tế mà vẫn duy trì ổn định và công bằng xã hội.
Nghị quyết 18-NQ/TW cũng đã nêu một số định hướng về vấn đề này. Trung ương khẳng định, “quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ”. Đồng thời, Trung ương yêu cầu “quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”; “tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”; “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất”… Những chủ trương này cầm được bám sát và cụ thể hóa trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Có thể nói trách nhiệm đặt lên vai các đại biểu chuyên trách - những người dành toàn bộ thời gian cho hoạt động của Quốc hội, thông thạo hoạt động nghị trường, biết cách tác động có hiệu quả lên chính sách pháp luật - rất nặng nề. Kỳ vọng đặt ra là các đại biểu chuyên trách sẽ tiếp cận từ tư duy chính sách để sửa Luật Đất đai. Các chính sách cốt lõi, đặc biệt là vấn đề thu hồi đất, sẽ được đặt lên bàn nghị sự với những thảo luận kỹ lưỡng, đa chiều để có một dự thảo tốt nhất trình Quốc hội xem xét và quyết định. Tất cả nhằm bảo đảm nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất và tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao như mục tiêu Trung ương đặt ra.
Hà Lan