bna-1496-01-2608.jpeg.webp
Tham gia tiếp xúc cử tri có các đại biểu Quốc hội: Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan. Dự hội nghị còn có Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tương Dương và cử tri trên địa bàn huyện. Ảnh: Thành Cường

Tại buổi tiếp xúc cử tri, thay mặt đoàn đại biểu, ông Trần Nhật Minh đã thông báo với cử tri về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 29/11/2023.

Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 8 dự án luật khác; đồng thời, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và giám sát các vấn đề quan trọng khác.

bna-1430-01-5593.jpeg.webp
Đại biểu Trần Nhật Minh thông báo trước cử tri về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Thành Cường

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu trình bày Đề cương chuyên đề "Các quy định về đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường, đất đai cho người dân tộc thiểu số", và các chính sách cụ thể, xin ý kiến của cử tri như: Rà soát hiện trạng sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường; quản lý, sử dụng quỹ đất do các các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương vào mục đích theo quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hoặc phương án sử dụng đất; giải quyết đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm Luật Đất đai trước ngày 1/7/2014; ... và các nội dung về đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

bna-1447-01-6836.jpeg.webp
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu trình bày Đề cương chuyên đề "Các quy định về đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường, đất đai cho người dân tộc thiểu số". Ảnh: Thành Cường

Tham dự hội nghị, cử tri huyện Tương Dương cơ bản nhất trí về nội dung dự thảo các quy định về đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường, đất đai cho người dân tộc thiểu số trong Dự thảo Luật Đất đai. Bên cạnh đó, cử tri cũng có nhiều ý kiến, kiến nghị điều chỉnh các quy định phù hợp với địa phương.

bna-1468-01-1060.jpeg.webp
Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Hữu Hiến báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri về Dự thảo Luật Đất đai. Ảnh: Thành Cường

Đối với nội dung, "giải quyết trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai trước ngày 1/7/2014", cử tri huyện Tương Dương nêu ý kiến, Luật Đất đai năm 2013 quy định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người dân đang sử dụng đất trước ngày 1/7/2014 với điều kiện phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với những trường hợp khác, Luật Đất đai quy định chỉ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những người đang sử dụng đất ổn định trước ngày 1/7/2014, nên đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn sử dụng đất ổn định làm nhà ở sau thời điểm 1/7/2014 mà chưa được xem xét cấp Giấy chứng nhận.

Để giải quyết vấn đề trên, cử tri huyện Tương Dương kiến nghị, đưa vào Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nội dung "cấp Giấy chứng nhận cho những người đang sử dụng đất, có nhà ở, công trình xây dựng khác trong thời gian từ 15/10/1993 đến thời điểm nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đến ngày Luật Đất đai dự thảo có hiệu lực".

bna-1490-01-6915.jpeg.webp
Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương góp ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai. Ảnh: Thành Cường

Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương có ý kiến về nội dung: "Cá nhân là người dân tộc thiểu số được giao đất, cho thuê đất theo chính sách hỗ trợ chỉ được thế chấp quyền sử dụng đất tại Ngân hàng Chính sách xã hội" dẫn đến gây khó khăn cho người dân.

Bởi vì, hiện nay, đối với hộ nghèo đã có chính sách cho vay tại Ngân hàng Chính sách, tuy nhiên, đối với những hộ dân khác muốn vay để kinh doanh, mở rộng sản xuất thì gặp vướng mắc. Những hộ dân này được giao đất, cho thuê đất theo chính sách hỗ trợ, vừa không vay được ở Ngân hàng Chính sách, vừa không vay được ở các ngân hàng thương mại, nên cần phải xem xét lại cho phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Hải còn phản ánh, khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Tương Dương, người dân đang ở vùng khó khăn, được chuyển đến tái định cư nơi ở mới có vị trí thuận lợi, nên chênh lệch giá cả về nơi đi - nơi đến lớn, khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần có quy định cụ thể nộp tiền chênh lệch theo từng vùng, như thành phố, thị xã, thị trấn và vùng miền núi.

Ngoài ra, về định giá đất theo thị trường, Bí thư Huyện ủy Tương Dương cũng có kiến nghị cần có khung giá cụ thể của Nhà nước, không theo mức giá thị trường để tránh thiệt thòi cho người dân ở vùng sâu, vùng khó khăn.

bna-1459-01-4445.jpeg.webp
Đại diện cử tri huyện Tương Dương tham dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Về lĩnh vực giáo dục, cử tri huyện Tương Dương phản ánh, chính sách chương trình phổ cập năm 2018 thiếu đồng bộ, chương trình giáo dục không đi kèm cơ sở vật chất và số lượng giáo viên, đặc biệt là môn Tin học, Ngoại ngữ. Cử tri kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ cho các địa phương vùng miền núi thực hiện chương trình giáo dục phổ cập.

bna-1475-01-5272.jpeg.webp
Ông Lô Văn Tuân - Chủ tịch UBND xã Tam Thái kiến nghị, xem xét chuyển đổi, giao đất một số diện tích rừng nghèo kiệt cho người dân sản xuất, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế. Ảnh: Thành Cường

Cử tri Lô Văn Tuân - Chủ tịch UBND xã Tam Thái nêu ý kiến, người dân miền núi chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, tuy nhiên, tỷ lệ diện tích đất canh tác, đất sản xuất trên địa bàn còn ít. Cử tri Tuân đề nghị, xem xét chuyển đổi, giao đất một số diện tích rừng nghèo kiệt, không có khả năng phục hồi cho người dân sản xuất, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, cử tri Lô Văn Tuân cũng kiến nghị cần quy định thời hạn sử dụng trồng đất lúa để có chính sách thu hồi, giao đất cho các hộ gia đình có nhu cầu, tránh tình trạng bỏ hoang đất sản xuất, gây lãng phí.

bna-1509-01-6204.jpeg.webp
Cử tri Vi Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Yên Na phản ánh, triển khai chính sách chi trả giao khoán, bảo vệ rừng chậm, gây thiệt thòi cho người dân. Ảnh: Thành Cường

Các nội dung liên quan đến: công tác tuyển dụng, luân chuyển cán bộ xã, cán bộ trong lĩnh vực y tế, giáo dục gặp nhiều khó khăn do chính sách chưa phù hợp; những vướng mắc về tái định cư, đền bù thiệt hại do thiên tai, xả lũ của các công trình thủy điện trên địa bàn; triển khai chính sách chi trả giao khoán, bảo vệ rừng chậm, gây thiệt thòi cho người dân; bất cập giữa phân loại xã ở địa bàn miền núi, vùng cao và đồng bằng; bất cập trong thực hiện chính sách bán trú đối học sinh vùng sâu, vùng xa; thiếu đất, cát phục vụ xây dựng công trình, dự án; các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế dưới tán rừng;... cũng được cử tri huyện Tương Dương phản ánh đến các đại biểu Quốc hội.

bna-1514-01-4667.jpeg.webp
Đại diện Sở TN&MT giải trình một số nội dung cử tri phản ánh. Ảnh: Thành Cường

Sau khi lắng nghe ý kiến của cử tri, đại diện một số sở, ngành đã trao đổi, giải đáp một số nội dung thuộc thẩm quyền mà cử tri phản ánh.

Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, ông Hoàng Minh Hiếu đã trả lời những nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển đến Chính phủ, Quốc hội và các cấp, ngành có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

bna-1424-01-6214.jpeg.webp
Đại biểu Quốc hội trao quà hỗ trợ cho đồng bào huyện Tương Dương bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong thời gian vừa qua. Ảnh: Thành Cường