Chiều 1/12, các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Vân Chi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội; Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có cuộc tiếp xúc cử tri xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc.

Cùng tiếp xúc cử tri có các đại biểu HĐND tỉnh: Dương Đình Chỉnh – Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc; Nguyễn Công Văn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nghi Lộc.

bna-mh6-3630.jpg.webp
Các đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tham gia cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: M.H

91 lượt đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An tham gia ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung đã thông tin về kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp.

Cụ thể, tại kỳ họp, về công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật. Quốc hội cũng đã quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước; trong đó, đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

bna-mh5-4800.jpg.webp
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung thông tin về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Ảnh: M.H

Quyết nghị bổ sung 1.275 tỷ đồng chi đầu tư cho tỉnh Nghệ An từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả) của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách Trung ương phát sinh sau khi các dự án này đã quyết toán. Đây là nội dung được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đeo bám qua nhiều nhiệm kỳ của Quốc hội.

Về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp, đoàn đã tham gia nghiêm túc, trách nhiệm ở các phiên họp toàn thể, phiên thảo luận tại tổ, với 61 lượt đại biểu có ý kiến thảo luận về các dự án luật, dự thảo nghị quyết, báo cáo kinh tế - xã hội trình kỳ họp.

bna-mh4-1657.jpg.webp
Lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh và huyện Nghi Lộc tham dự cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: M.H

Trong thời gian diễn ra kỳ họp, đoàn cũng đã tổ chức làm việc với một số bộ, ngành Trung ương; các hoạt động trao đổi kinh nghiệm với Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thông tin về kinh tế - xã hội của tỉnh, những kiến nghị, đề xuất của địa phương và những vấn đề liên quan đến nội dung kỳ họp; tích cực vận động, kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh…

13 cử tri nêu nhiều kiến nghị

Tiếp đó, trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm, tại hội nghị, đã có 13 cử tri phản ánh, đề xuất nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương và tỉnh.

bna-mh1-1280.jpg.webp
Cử tri Trương Xuân Thắng, ở xóm 7, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu chính sách về hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người hoạt động không chuyên trách ở xóm. Ảnh: M.H

Cử tri Trương Xuân Thắng, ở xóm 7, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu chính sách về hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người hoạt động không chuyên trách ở xóm, gồm bí thư chi bộ, xóm trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận, xóm phó, công an viên; đồng thời, nghiên cứu có chính sách ghi nhận, khuyến khích, động viên đội ngũ này có thời gian tham gia công tác liên tục 15 – 20 năm trở lên.

Bày tỏ sự đồng tình với chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, cử tri Nguyễn Thị Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thọ cho rằng, việc sắp xếp, bố trí chức danh công chức văn hóa – xã hội ở cấp xã hiện nay rất bất cập.

bna-mh-4827.jpg.webp
Cử tri Nguyễn Bá Hợp ở xóm 5, kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm xử lý các nhà văn hóa xóm sau sáp nhập. Ảnh: M.H

Như xã Phúc Thọ (xã loại II) chỉ bố trí 1 công chức văn hóa – xã hội, phụ trách 2 lĩnh vực văn hóa– xã hội và chính sách, trong khi tuyển dụng đầu vào của công chức chính sách có chứng chỉ chuyên môn tài chính - kế toán, lao động, xã hội hoặc ngành tự nhiên; công chức văn hóa – xã hội là chứng chỉ quản lý văn hóa hoặc lĩnh vực khác.

Hiện nay, chỉ 1 công chức mà đảm nhận quá nhiều việc, chịu trách nhiệm nhiều ngành như: Văn hóa - Thể thao; Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Lao động, Thương binh và Xã hội; Giáo dục; Y tế… Chính sự bất cập này ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở cơ sở. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng nghiên cứu tháo gỡ.

bna-mh11-7376.jpg.webp
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Học trực tiếp giải trình các vấn đề cử tri nêu thuộc thẩm quyền. Ảnh: M.H

Một vấn đề được cử tri xã Phúc Thọ băn khoăn liên quan đến việc triển khai chương trình dạy học tích hợp các bộ môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Theo đó, mặc dù giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn, nhưng thời gian ngắn sẽ không đảm bảo chất lượng dạy học, nhất là việc bố trí giáo viên. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 cần có cơ chế đào tạo và tuyển dụng sinh viên sư phạm được đào tạo theo chương trình mới.

Nhiều vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cho người có công; chính sách bảo hiểm xã hội đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, xóm; xử lý nhà văn hóa xóm sau sáp nhập; giải quyết tình trạng sai lệch trong đo đạc hồ sơ địa chính đất ở địa phương; bất cập về chính sách, chế độ hỗ trợ xi măng đối với xã xây dựng nông thôn mới nâng cao…, cũng được cử tri đề cập, phản ánh.

Giải trình làm rõ nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền

Từ các nội dung kiến nghị, phản ánh của cử tri, tại cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Bảo hiểm xã hội tỉnh đã trực tiếp tiếp thu, giải trình các vấn đề thuộc chức năng, thẩm quyền quản lý, giải quyết của ngành.

Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung đánh giá cao các kiến nghị, đề xuất xác đáng của các cử tri, nhất là các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

bna-mh19-1992.jpg.webp
Các đại biểu Quốc hội trao đổi với cử tri tại buổi tiếp xúc. Ảnh: M.H

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng trao đổi và giải trình trực tiếp các vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người hoạt động không chuyên trách ở xóm.

Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó có nội dung mở rộng đối tượng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xóm, tuy nhiên, điều này đang có 2 luồng ý kiến: một là thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người hoạt động không chuyên trách ở xóm; hai là tăng quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để những người hoạt động không chuyên trách ở xóm tham gia. Trên cơ sở ý kiến của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nghiên cứu để tham gia ý kiến thảo luận vào Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp tới của Quốc hội.

bna-mh2-164.jpg.webp
Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: M.H

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng tiếp thu, giải trình các vấn đề liên quan đến đổi mới sách giáo khoa; hỗ trợ tiền lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995; chính sách phòng, chống thương tích, phòng, chống đuối nước cho trẻ em; chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng...

Mai Hoa