Nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các thành viên Đoàn giám sát cũng lưu ý, không thể vội yên tâm với thành tích đạt được, vì đến nay chưa có chỉ tiêu sử dụng đất, có thể làm giảm tác động của quy hoạch đã ban hành.

Quy hoạch sử dụng đất có tác động đa chiều

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia trong một thời kỳ có vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến hầu hết hoạt động của người dân, doanh nghiệp, cũng như công tác quản lý của các bộ, ngành khác. Do vậy, dù đa số các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập đều bị chậm tiến độ, thì các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội vẫn ghi nhận nỗ lực của Bộ trong việc sớm hoàn thiện quy hoạch quan trọng này. So với nhiệm kỳ trước, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được thông qua ngay Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội là một thành tích cần được biểu dương.

20220304055340khong-yen.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại buổi làm việc Ảnh: Trung Thành

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được áp dụng trong thời gian qua đã cho thấy đây là một công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý đất đai, đặc biệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện là căn cứ quan trọng để thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất được phân bổ và chuyển dịch cơ cấu sử dụng để đáp ứng kịp thời cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Quỹ đất nông nghiệp đã đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ và phát triển rừng. Quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhu cầu đô thị hóa.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan chỉ ra một vấn đề rất quan trọng trong thực tế là dù đã có quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng hiện vẫn chưa có chỉ tiêu sử dụng đất đến cấp huyện như quy định của Luật Đất đai. Trong khi đó, bà Đỗ Thị Lan lưu ý, Luật Đất đai quy định rõ, sử dụng đất phải dựa trên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, còn Luật Quy hoạch cũng quy định quy hoạch sử dụng đất là cơ sở để phân bổ chỉ tiêu đất cho cấp tỉnh. Trước đây, quy hoạch sử dụng đất có thể được lập trước hoặc sau khi xác định chỉ tiêu sử dụng đất, nhưng với quy định của Luật Quy hoạch, trong lập quy hoạch cấp tỉnh phải có phương án và khoanh vùng đất đai theo loại đất đến từng đơn vị cấp huyện, tạo cơ sở cho lập quy hoạch cấp huyện. Do, quy hoạch sử dụng đất ở cấp tỉnh, huyện liên quan đến việc xây dựng, thực hiện nhiều quy hoạch khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đặt câu hỏi: Nếu các quy hoạch chuyên ngành khác được ban hành trước, nhưng sau khi phê duyệt chỉ tiêu sử dụng đất không có chỉ tiêu đáp ứng được yêu cầu thực hiện quy hoạch chuyên ngành thì sẽ xử lý thế nào?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng chỉ rõ, theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh sẽ được đưa vào quy hoạch tỉnh và trên cơ sở đó mới được lập quy hoạch xây dựng, xác định các dự án. Như vậy, sau khi Quốc hội có Nghị quyết phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 mà chưa kịp thời ban hành chỉ tiêu sử dụng đất thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình xây dựng quy hoạch tích hợp cấp tỉnh? Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho ý kiến đối với nhiều quy hoạch cấp tỉnh, có phải ở các địa phương này đã xác định được chỉ tiêu sử dụng đất không?

Trả lời các câu hỏi này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu An Trường cho biết, ngay sau khi Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua, Bộ đã chủ động lên phương án xây dựng chỉ tiêu sử dụng đất đến cấp tỉnh, cấp huyện và đang tiếp tục lấy ý kiến lại với các bộ, ngành, địa phương, hoàn thiện phương án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Chu An Trường cũng cho biết, trong quá trình cho ý kiến với quy hoạch cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực phối hợp để hướng dẫn một số chỉ tiêu phù hợp với các đề xuất cho chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia.

Tuân thủ đúng các chỉ tiêu Quốc hội giao

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV được đánh giá là một quy hoạch có chất lượng, đáng tin cậy. Ngay từ cuối năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị quyết về chỉ tiêu sử dụng đất tại các địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế xây dựng các chỉ tiêu này phát sinh tình trạng, một số địa phương trước đòi hỏi của tình hình mới, quy hoạch sử dụng đất được duyệt đã xin thêm chỉ tiêu. Do vậy, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải lấy ý kiến lại với một số bộ, ngành, địa phương, sau đó, tiến hành tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, ngày 3.3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết quy định chỉ tiêu sử dụng đất cho các địa phương lần thứ hai, trong đầu tháng 3 này có thể sẽ được Chính phủ xem xét, ban hành. Ông Võ Tuấn Nhân cũng nhấn mạnh, dù các địa phương tiếp tục xin điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất, song Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ luôn thực hiện theo nguyên tắc “tuân thủ theo quy luật thị trường, tạo không gian phát triển, song luôn bám sát các chỉ tiêu được Quốc hội thông qua”. Việc điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất theo đề nghị của các địa phương chỉ có thể xem xét khi sau kỳ sử dụng đất trong 5 năm như quy định của Luật Đất đai.

Ghi nhận nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, Quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành nhưng nhiều quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia đang song song triển khai thực hiện, nên việc rà soát, khớp nối là hết sức cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ. Nhấn mạnh “việc ban hành chỉ tiêu sử dụng đất là cơ sở quan trọng cho các địa phương xây dựng quy hoạch của mình”, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chú ý vấn đề này, vì giống như giao dự toán ngân sách hàng năm, nếu các đơn vị chưa được giao dự toán sẽ không chi được, chưa giao chỉ tiêu sử dụng đất sẽ không triển khai được dự án đầu tư. “Quy hoạch sử dụng đất quốc gia sớm xây dựng nhưng giao chỉ tiêu chậm thì tác dụng của quy hoạch sẽ không nhiều”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thanh Hải