Mới đây, Bộ Nội vụ đã công bố dự thảo “Nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ” gồm 5 Chương với 25 Điều. Một điểm đáng chú ý là phạm vi điều chỉnh của Nghị định không chỉ giới hạn đối với thái độ và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức tại các không gian công sở, mà còn ở cả những nơi ngoài công sở như tại gia đình, nơi cư trú và những nơi công cộng.

Theo đó, công chức, viên chức được yêu cầu chấp hành nghiêm túc các chuẩn mực được áp dụng tại những không gian xã hội nêu trên, đồng thời phải ý thức về vai trò nêu gương, trở thành hạt nhân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, vun đắp tình đoàn kết xã hội, lối sống văn minh.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định lại chưa coi mạng xã hội là một không gian công cộng cụ thể cần điều chỉnh đạo đức của công chức, viên chức. Hiện nay, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TiKTok, YouTube… đang ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta và có nhiều ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung.

Tính chất công cộng của các mạng xã hội thể hiện ở chỗ các nội dung đăng tải có thể tạo ra các nhóm công chúng khác nhau, xuất hiện công khai bất kỳ lúc nào, nhiều người có thể tiếp cận, bình luận, chia sẻ…

Thực tế nhiều vụ việc gần đây cho thấy tuy tương tác trên mạng xã hội là “gián tiếp và ảo” nhưng hậu quả gây ra lại rất “thật”, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp trên phạm vi rộng.

Chưa có thống kê chính thức nhưng dựa vào xu thế xã hội hiện nay, có thể dự báo số lượng cán bộ khu vực công ở nước ta sử dụng mạng xã hội như một kênh giao tiếp, thu thập thông tin, giải trí, kinh doanh… chắc chắn sẽ gia tăng. Bởi thế, sẽ hoàn chỉnh hơn nếu các quy định về đạo đức công vụ đề ra các nguyên tắc để kiểm soát đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia các mạng xã hội.

Theo đó, Bộ Nội vụ nên cân nhắc bổ sung thêm các yêu cầu về đạo đức khi sử dụng mạng xã hội, coi đây là một trong những “nơi công cộng” mà thái độ và hành vi của công chức, viên chức cần được kiểm soát và điều chỉnh.

Trên cơ sở khung nguyên tắc của Nghị định, mỗi cơ quan có thể ban hành những quy định chi tiết hơn, phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng đơn vị nhằm phòng ngừa và xử lý những phát ngôn, thái độ, hành vi không phù hợp với hình ảnh cán bộ các cơ quan Nhà nước.

Sự bổ sung quy tắc đạo đức công vụ khi tham gia mạng xã hội cũng sẽ bảo đảm sự nhất quán giữa hệ thống quy định của cơ quan hành chính, chuyên môn với các quy định của Đảng, vốn chỉ áp dụng với số cán bộ là đảng viên.

Vậy đâu là cơ sở để cơ quan Nhà nước có thể kiểm soát hành vi của cán bộ, nhân viên khi họ sử dụng các mạng xã hội? Về nguyên tắc, cơ quan Nhà nước có thể kiểm soát mọi hành vi, hoạt động của công chức, viên chức trong khung giờ làm việc.

Nói cách khác, trong giờ hành chính thì mỗi công chức, viên chức đều phải dành toàn bộ thời gian để thực thi nhiệm vụ, hoặc làm những việc liên quan đến nhiệm vụ của mình. Cũng có nghĩa là họ không được sử dụng thời gian làm việc để thỏa mãn những nhu cầu, sở thích cá nhân như lạm dụng thời gian công sở để lướt mạng giải trí, bán hàng online, hay chát chít, bình luận đùa cợt...

Về mặt đạo đức công vụ, sử dụng thời gian làm việc được Nhà nước trả lương cho các mục đích ngoài công việc là điều không nên. Đây chính là căn cứ vững chắc để các đơn vị khu vực công có thể kiểm soát hành vi sử dụng mạng xã hội của công chức, viên chức thông qua biện pháp can thiệp vào cách thức sử dụng thời gian làm việc.

Tùy đặc điểm chức năng, nhiệm vụ, tính chất hoạt động… của mỗi đơn vị, khi ban hành quy định chi tiết về đạo đức công vụ, ở mức cao nhất, cơ quan có thể cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng và xuất hiện trên các mạng xã hội trong khung giờ hành chính chỉ để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, không liên quan đến công việc.

Mỗi cơ quan có thể thành lập bộ phận giám sát để bảo đảm rằng mọi hình thức tham gia mạng xã hội của công chức và viên chức, nếu diễn ra trong giờ làm việc, đều dựa trên tinh thần tích cực, đóng góp, xây dựng và phục vụ chức năng, nhiệm vụ mà họ đang thực hiện.

Ở mức độ thấp hơn, các cơ quan có thể đề ra các quy định khuyến khích công chức, viên chức hạn chế, không nên xuất hiện trên các mạng xã hội trong giờ làm việc. Nếu thực sự cần sử dụng mạng xã hội thì chỉ nên phục vụ các mục đích công việc.

Quy định như vậy không chỉ giúp việc sử dụng thời gian công sở đúng mục đích hơn, mà cũng sẽ có tính chất nhắc nhở để giảm bớt tình trạng lạm dụng mạng xã hội cho nhu cầu giải trí cá nhân, đăng bài "câu like", tham gia những tranh cãi không cần thiết, hay bán hàng online.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cũng có thể quy định khi tham gia mạng xã hội, dù bất kỳ khung giờ nào, thì công chức, viên chức cũng cần ý thức về vị thế và vai trò của mình.

Theo đó, để góp phần hình thành các thói quen văn hóa và văn minh khi sử dụng mạng xã hội, họ nên có ý thức nêu gương trong việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức công vụ về phát ngôn, ứng xử, tương tác xã hội.

Mỗi công chức, viên chức cần luôn ý thức mình là “người Nhà nước” với những kỳ vọng vai trò “gương mẫu” từ phía các thành viên trong xã hội, chứ không đơn giản chỉ là một cá nhân trong xã hội để có thể tùy tiện hành xử theo ý muốn chủ quan trên mạng xã hội.

Nguyễn Văn Đáng