Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại cuộc làm việc
Đại diện các cơ sở giáo dục đại học tham gia cuộc làm việc cho rằng, chính sách, pháp luật đối với nhà giáo đang được thể hiện ở quá nhiều văn bản luật và dưới luật, gây tình trạng tản mạn, thiếu đồng bộ, khó thực hiện. Với các cơ sở giáo dục đại học là đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34), còn phải chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác.
Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh Nguyễn Huy Bằng cho rằng, việc cơ sở giáo dục đại học là đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu sự điều chỉnh cuả nhiều luật, có nhiều quy định chưa đồng nhất với Luật 34 gây khó khăn cho các cơ sở
Trong đó, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức giảng dạy (nhà giáo) thực hiện theo Luật Viên chức, Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn của Luật. Với các trường ngoài công lập, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giảng viên được thực hiện theo Bộ luật Lao động.
Các cơ sở giáo dục đại học quản lý và sử dụng đội ngũ nhà giáo theo vị trí việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho các nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới phát sinh nếu có và phát triển chuyển môn nghiệp vụ của bản thân theo kế hoạch hàng năm.
Theo Hiệu trường Trường ĐH Y khoa Vinh Nguyễn Văn Tuấn cần có hành lang pháp lý để bảo vệ nhà giáo trong quá trình thực hành nghề nghiệp
Tuy nhiên, việc phân cấp, ủy quyền cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn hoặc tự chủ một phần được tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp chưa được quy định rõ, hoặc chưa thực hiện. Có một số tồn tại, hạn chế trong việc bố trí sử dụng đội ngũ viên chức khi đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp hạng cao hơn.
Các quy định về việc cho phép các đơn vị tự chủ hoặc tự chủ một phần có cơ chế thu hút nhân tài khi tuyển dụng, không bị ràng buộc việc trả lương hoặc các chế độ khác theo quy định hiện hành về quản lý tài chính công cần được quan tâm, hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ.
Toàn cảnh cuộc làm việc
Các cơ sở giáo dục đại học cần được tự chủ trong việc thu hút nhân tài, tuy nhiên để thu hút nhân tài thì phải có cơ chế chính sách trả lương riêng biệt. Hiện nay, khi tuyển dụng, nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập vẫn phải trả lương theo quy định hiện hành, do đó khó có cơ chế đặc thù để thu hút người tài về công tác.
Từ thực tiễn hiện nay, đại diện các cơ sở giáo dục đại học kiến nghị, cần quy định một số chính sách, pháp luật mới để thu hút, phát triển đổi ngũ nhà giáo, trong đó có nhà giáo bậc đại học, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thống nhất về tiêu chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh nhà giáo, nhưng không hành chính hóa. Tiêu chuẩn chức danh nhà giáo phải phản ánh mức độ đạt được về phẩm chất và năng lực của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ tiếp thu các ý kiến tại cuộc làm việc
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có hành lang pháp lý để bảo vệ nhà giáo trong quá trình thực hành nghề nghiệp; bảo đảm bình đẳng chính sách cho nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập. Nghiên cứu quy định độ tuổi nghỉ hưu phù hợp với nhà giáo từng bậc học để thu hút nhà giáo chất lượng cao giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học…
Thay mặt Đoàn khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc làm việc. Những ý kiến này sẽ được Ủy ban tổng hợp, nghiên cứu, xem xét trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật dành cho nhà giáo nói riêng, giáo dục và đào tạo nói chung.
Nguồn:Cổng TTĐT Quốc hội