Mới đây, phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy đề xuất nên đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đề xuất này sau đó đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

GS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đồng tình với đề xuất này. Theo ông, bản chất của việc dạy thêm, học thêm không xấu.

Thực tế hiện nay, học sinh và phụ huynh có rất nhiều nhu cầu như bồi dưỡng học sinh giỏi, đi học thêm các môn năng khiếu, chẳng hạn âm nhạc, mỹ thuật, thể thao hay kỹ năng sống…

Trong khi đó, đời sống của giáo viên lại khó khăn, mức thu nhập chưa tương xứng và đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống, buộc thầy cô phải mở lớp dạy thêm dựa trên chính sức lao động của mình. Việc dạy thêm, học thêm như vậy là chính đáng.

Tuy nhiên theo ông Nhĩ, những hình thức dạy thêm tiêu cực như “dạy trên lớp lơ là, dạy ở nhà là chính” - tức thầy cô lên lớp không dạy hết mình, chỉ dạy một phần rồi xem đó như “mồi nhử” học sinh về nhà mình để dạy học kiếm tiền, điều này đáng lên án và cần phải cấm.

Để tránh những biến tướng tiêu cực, theo GS Trần Xuân Nhĩ, cần phải đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi lẽ, hoạt động kinh doanh vốn đi theo giá cả thị trường, khi bán cao, khi bán thấp tùy từng thời điểm. Nhưng với giáo dục cần phải đáp ứng các điều kiện cụ thể.

“Chẳng hạn, mức thu học phí cần phải quy định nằm trong ngưỡng quy định trần – sàn, giáo viên được dạy những nội dung gì, điều kiện giảng dạy ra sao… tất cả đều phải có quy định cụ thể. Lớp học phải đạt tất cả những điều kiện ấy mới được thực hiện, triển khai. Nhờ vậy, việc kiểm soát, xử lý vi phạm dễ dàng hơn rất nhiều”, ông Nhĩ nói.

20170411080944-tieu-hoc-3-233.jpg

Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam, lại cho rằng nếu giáo dục được đưa vào danh mục ngành kinh doanh có điều kiện sẽ rất nguy hiểm, bởi kinh doanh thường gắn với bài toán lợi nhuận, lỗ - lãi.

“Khi chạy theo lợi nhuận có thể xảy ra nhiều hệ lụy, tiêu cực, bởi nguyên tắc của kinh doanh đòi hỏi sự tập trung công sức cao độ. Một khi được phép dạy thêm, giáo viên có thể sẽ chểnh mảng việc dạy học trên lớp, trên trường”, ông Dong nói.

Do đó, ông Dong cho rằng nên có một tổ chức để theo dõi việc dạy thêm, học thêm, kiểm tra chặt chẽ trong từng nhà trường, chẳng hạn như công đoàn trường, để tránh trường hợp rút ngắn chương trình chính khóa, dành kiến thức dạy tại lớp học thêm.

Bên cạnh đó cũng cần xem xét đối tượng tham gia học thêm. GS Phạm Tất Dong chỉ ra 2 đối tượng học sinh cần tham gia học là những em giỏi, xuất sắc, chương trình học trên lớp quá dễ, do đó cần chương trình khác nâng cao hơn để phát triển năng lực của bản thân. Ngoài ra, giáo viên cần dạy cho những em yếu kém, không theo kịp chương trình tối thiểu, cần phải phụ đạo thêm để bắt kịp với chương trình.

Theo ông Dong, nếu không có quy định hoặc chế tài và cứ để “thả nổi” sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn, chẳng hạn giáo viên o ép, trù dập học sinh nếu không tham gia lớp học thêm.

Còn theo TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, lâu nay mọi người chỉ nhìn ở góc độ giáo viên “lôi kéo” trò đi học thêm do đồng lương thấp, đời sống khó khăn.

Nhưng thực tế ông Khuyến cho rằng, để xảy ra tình trạng học thêm, dạy thêm, cần phải xem lại chương trình có quá tải hay không. “Nhiều học sinh thấy không thể bắt kịp, phụ huynh lại không chỉ được bài cho con, do đó xu thế đi học thêm là điều tất yếu”, ông Khuyến nói.

Do đó, ông Khuyến cho rằng muốn giải quyết dứt điểm tình trạng học thêm, dạy thêm, cần phải “xử lý tận gốc”, trong đó cần phải thiết kế chương trình phù hợp với năng lực, nhận thức của học sinh. Khi chương trình giảm tải, áp lực thi cử không còn nặng nề, học sinh chỉ cần học kiến thức trên trường là đủ.

“Sau khi có chuẩn chương trình, nếu học sinh cảm thấy vẫn thiếu hụt kiến thức, cần bổ túc thêm, chính giáo viên trực tiếp giảng dạy sẽ là người bồi dưỡng và không được phép thu tiền. Còn với những học sinh giỏi, các em có thể được bồi dưỡng thêm để đáp ứng nhu cầu và phát huy năng lực của bản thân”, ông Khuyến đề xuất.