Lý do là bởi so với tháng trước, số ca mắc trong cộng đồng trên cả nước tăng 197,9%, số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Tỷ lệ tử vong/mắc 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước. Phân bố tỷ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 2.2022 so với tháng trước thì nhóm 18 - 49 tuổi chiếm 54,3%, tăng 2,5 lần; nhóm 50 - 65 tuổi chiếm 10,8%, tăng 2,2 lần; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% tăng 2 lần.

Và hiện nay, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Các địa phương cũng đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch theo Nghị quyết 128 tuy nhiên số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua, với khoảng 50.000 - 75.000 ca mỗi ngày. Số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi; số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước, số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày và hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế...

Mặt khác, tỷ lệ tiêm mũi 3 là 37,4% - cơ bản đáp ứng tiến độ. Đến hết quý I.2022, ước khoảng 60% người từ 18 tuổi trở lên đủ thời gian để tiêm mũi 3 vì có khoảng 23,4 triệu người cần tiêm liều bổ sung để hoàn thành lộ trình tiêm đủ liều cơ bản chủ yếu được tiêm từ tháng 1.2022 do đó thời gian tiêm mũi 3 cho các đối tượng này là từ tháng 4.2022. 63 tỉnh, thành phố cũng đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Do đó, Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo cho phép tạm dừng việc thông báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang cho người dân vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Thực tế, có nhiều quan điểm khác nhau về việc nên tiếp tục hay dừng công bố số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày. Ý kiến tán thành thì cho rằng khi con số đã không còn chuẩn xác, không đánh giá đúng tình trạng dịch bệnh và không phù hợp với thực tế thì nên gỡ bỏ nhưng vẫn cần thống kê, thông tin chính xác số bệnh nhân biến chuyển nặng, tử vong, tránh xảy ra tình trạng người dân lơ là, chủ quan. Nên phân tích các ca tử vong ở đối tượng nào, đã tiêm vaccine hay chưa, có phải tử vong do tiếp cận y tế, điều trị muộn hay không để điều chỉnh đưa việc mắc Covid-19 trở thành bệnh không gây chết người và không tránh được việc ca nhiễm tăng.

Luồng ý kiến khác thì cho rằng, số ca mắc mới là 1 trong 8 chỉ số đánh giá cấp độ dịch nhưng số ca mới sẽ luôn đi trước số chuyển nặng và tử vong nên nếu ngưng đếm, thả lỏng bây giờ là buông xuôi, chưa thể được. Và khi số mắc mới tăng rất cao có thể đề xuất dừng đếm ca sẽ được chấp thuận nhưng các cơ quan y tế vẫn phải nắm số ca nhiễm để đánh giá xu thế của dịch để có biện pháp xử lý.

Như vậy, việc có nên công bố số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày nữa hay không cần được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, tránh tình trạng chủ quan, lơ là hoặc đánh giá không đúng, không đủ về tình hình dịch bệnh.

Ninh Hà