Ông NGUYỄN BÌNH MINH, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam: Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho thương mại điện tử
Thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu; tại Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử cũng đã phát triển tích cực, năm 2023 thương mại điện tử tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng 25% so với năm 2022. Dự báo những năm tới, hoạt động thương mại điện tử ở nước ta tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dù đã có nhiều giải pháp ngăn chặn.
Tôi đánh giá rất cao việc Quốc hội đưa vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử vào phiên chất vấn. Từ phiên chất vấn này, cần có cái nhìn thẳng thắn về những khó khăn, thách thức trong bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử và có những giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn. Bộ Công Thương phải giám sát người bán trên hệ thống thương mại điện tử, bảo đảm định danh người bán cũng như các chính sách, thủ tục rõ ràng. Về phía doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử cũng cần tuân thủ chặt chẽ hơn các chính sách bảo mật để tránh tình trạng rò rỉ thông tin, dữ liệu.
Từ tháng 7 tới, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực. Gần đây cũng có thêm nhiều quy định mới về an toàn thông tin. Bộ Công Thương cần tiếp tục xem xét, bổ sung những quy định mới về thương mại điện tử, tạo hành lang pháp lý ngày càng rõ ràng, minh bạch hơn để doanh nghiệp dễ áp dụng. Ngoài ra, cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi hoặc hỗ trợ cho doanh nghiệp có tuyên bố bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trợ giúp người tiêu dùng hướng đến những giao dịch uy tín, sản phẩm có chất lượng.
Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng Giám đốc Vina T&T Group: Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu
Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy xuất khẩu. Riêng lĩnh vực nông sản, nhiều loại rau quả được xuất khẩu hàng năm; nổi trội như sầu riêng được xuất chính ngạch vào Trung Quốc, bưởi được xuất chính ngạch vào Mỹ và New Zealand; nhãn được xuất chính ngạch vào Nhật Bản...
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa khai thác được tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xuất khẩu, cần phải có những biện pháp, hàng rào kỹ thuật nhằm bảo đảm chất lượng nông sản. Muốn làm được điều đó cần phải có sự hỗ trợ của công nghiệp hỗ trợ, công nghệ chế biến nông sản. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai các chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ bộc lộ những hạn chế từ khâu thiết kế chính sách đến năng lực hấp thụ của doanh nghiệp.
Một trong những vấn đề chúng tôi quan tâm và chờ đợi ở phiên chất vấn này là giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, bởi đây là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng. Bộ trưởng Bộ Công Thương cần làm rõ các vấn đề như: xuất khẩu đang có những tín hiệu tích cực nhưng chưa bền vững bởi chịu ảnh hưởng từ các yếu tố về chính trị, chuỗi cung ứng, vậy giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp là gì? Bên cạnh đó, xuất khẩu hiện vẫn phụ thuộc vào một số thị trường lớn, việc mở rộng các thị trường khác trong thời gian tới được triển khai như thế nào? Đặc biệt, cần làm gì để tận dụng tốt các FTA đã ký kết để hỗ trợ xuất khẩu? Với công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành nông nghiệp cần phải có chính sách ra sao? Mong rằng, sau phiên chất vấn, những “điểm nghẽn” này sẽ có hướng giải quyết tốt hơn để thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế tốt hơn.
Ông VŨ VINH PHÚ, chuyên gia kinh tế: Công nghiệp hỗ trợ cần được quan tâm đúng mức
Theo thông tin công bố, các ĐBQH sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về 3 nhóm vấn đề. Một là, công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Hai là, giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Ba là, việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong số này, tôi quan tâm đến những vấn đề của ngành công nghiệp hỗ trợ. Tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của chúng ta được cải thiện trong những năm gần đây, ví dụ lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45 - 50%; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 - 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5 - 20%. Tuy nhiên, nhìn chung, ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta vẫn còn yếu. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay vẫn đang nằm ở trong phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng.
Khi doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, họ rất cần những doanh nghiệp vệ tinh nội địa đủ năng lực để cung cấp sản phẩm, giúp giảm thiểu nhiều chi phí trong quá trình sản xuất… Nếu ngành công nghiệp hỗ trợ không đáp ứng được sẽ ảnh hưởng đến thu hút FDI. Mặt khác, tình trạng này kéo dài thì rất có thể “miếng bánh” công nghiệp hỗ trợ sẽ lại nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Tôi mong qua phiên chất vấn sẽ làm rõ những khó khăn của ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay và tìm được giải pháp hiệu quả từ khâu chính sách đến đầu tư để ngành này ngày càng phát triển. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.