Là nhà giáo, dễ nhận thấy ở thầy một con người lúc nào cũng gương mẫu trước học trò. Sau này khi không học thầy nữa, với cung cách ấy thầy vẫn luôn mô phạm với tôi, giảng giải ân cần những gì mà thầy cho rằng tôi cần biết, cần hoàn thiện mình hơn dù thầy biết tôi không còn là cậu học trò như ngày trước.

Thầy là Phạm Văn Phái

Hiện tôi vẫn giữ bộ sách Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm tác giả Ngô Gia Văn phái mà thầy mua tặng. Với bộ sách này thầy nói với tôi rằng thầy rất tự hào về Ngô Thì Nhậm và cha ông là Ngô Thì Sĩ, những tiền nhân ái quốc và uyên thâm từ quê hương Hà Tây (tên tỉnh thời gian ấy) của thầy (*). Không những tặng sách cho tôi, thầy còn tặng một cháu con tôi khi nhỏ những truyện tranh về Hùng Vương dựng nước, về tấm gương thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này cháu trưởng thành thầy luôn hỏi thăm tôi về cháu và dõi theo những bước tiến và sự trưởng thành của cháu.

Dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ, 27 tháng 7 năm 2005, ít lâu sau sự kiện về cuốn nhật ký chiến trường nổi tiếng của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, thầy tìm đến tôi và rủ tôi cùng đến thắp hương tại gia đình chị. Hai thầy trò tôi tìm đến cuối phố Giang Văn Minh, vào một khu tập thể ngay sau khi cắt qua đường Đội Cấn. Đến nơi, bác Doãn Ngọc Trâm – mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tiếp đón chúng tôi niềm nở. Bà chuyện trò với thầy thật thân thuộc, thì ra chị Trâm cũng là học sinh cũ của thầy ở trường Chu Văn An và học trước tôi một khóa. Từ ứng xử và lời nói của thầy hôm đó, tôi biết thầy ái mộ và rất tự hào về người học sinh một thời đó của mình. Ra về, thầy thấy vui trong lòng và thầy trò kể với nhau không hết chuyện về những thế hệ học sinh đáng nhớ của trường chúng tôi, mà nữ anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là môt điển hình.

Suốt trong nhiều năm, mỗi lần gặp thầy tôi luôn tìm thấy và trân trọng những nét đẹp của người thầy ấy. Tuy nhiên, một sự thật khác lại là, vì không thỏa hiệp với cái xấu mà có lúc thầy trở nên buồn bực. Hễ thế giới cái xấu lan ra, môi trường của thầy hình như thu hẹp lại. Nhiều lúc tôi nghĩ, thầy là người chí tình mà sao không nhiều sự gần gũi giao tiếp?

Thời đi học, tôi rất quý thầy nhưng thầy gây ấn tượng cho tôi mạnh hơn vào những năm tháng sau này. Với thầy Phái trên bục, giờ tôi chỉ còn nhớ một người thầy giỏi, hóm, luôn ăn mặc gọn gàng, nói năng chậm rãi mạch lạc, đối xử bình đẳng với học trò. Thế thôi. Nhớ thầy đôi lúc lại nhớ đến những lời khuyên tế nhị đến lạ.

Năm 1961, thầy làm chủ nhiệm lớp 9E tôi. Một Chủ nhật sau Tết, cả lớp đi cắm trại tít tại núi Lim, Bắc Ninh. Đạp xe ngược gió bấc từ tờ mờ sáng nên đến nơi ai cũng mệt, cũng đói. Nồi khoai mới luộc đổ ra còn nóng hôi hổi, bọn con trai tranh toàn củ to, tụi bạn gái chỉ biết ngơ ngác. Một bạn nhanh nhảu nhón một củ to nhất, chuyền giữa hai tay cho bớt nóng, thấy vậy thầy tự nhiên nhìn bạn ấy cười rồi thốt lên: Giá như em cũng chọn bạn mà chơi như thế...

Thầy Phạm Văn Phái tại nhà riêng ở Hà Nội (năm 2012)

Một lần, trong giờ học môn hóa hữu cơ, thầy cho hóa chất vào trong một ống nghiệm để tạo ra một hợp chất. Sản phẩm tạo ra lập ức có mùi bay lên. Thầy gọi một bạn lên đứng cạnh thầy và hỏi: “Em có ngửi thấy mùi gì không?” bạn tôi trả lời: “Thơm ạ,” Thầy nhíu mày, khẽ hít hơi rồi hỏi lại: “Em nói lại đi, thơm à?” Bạn tôi nói giọng nhỏ đi và ấp úng… Thầy cho cả lớp biết, đó là mùi bọ xít! Bạn tôi ngại thầy và đã không dám nói thật cái mùi khó chịu từ khứu giác của mình.

Hơn mười năm sau khi chúng tôi tốt nghiệp phổ thông, đầu năm 1973 lễ thành hôn của tôi được tổ chức ở Hội trường dưới gốc cây đa Báo Nhân Dân, nơi cha tôi công tác. Tôi đến nhà thầy, lúc đó ở sau Nhà Thờ Cửa Bắc, đưa Thiếp mời, và rồi tối hôm tổ chức hôn lễ thầy đã đến với chúng tôi. Hôm đó trong phòng cưới đông kín khách của gia đình, từ xa bên ngoài, dưới ánh đèn treo nơi cây đa cổ thụ tôi thấy thầy tươi cười vẫy tay về phía mình. Có lẽ thầy chân tình như thế, sau này tôi luôn giữ tình cảm tốt đẹp, và cũng có nhiều kỷ niệm gắn bó với thầy.

Con người ta có lẽ gồm hai nửa: Dương bản và âm bản, không khác gì hai nửa sáng tối của chị Hằng Nga. Cái phần âm bản của thầy cũng làm tôi quý thầy không kém nửa kia, vì từ đó thỉnh thoảng tôi nhìn thấy những vệt sáng chói. Không những thế nó còn cho tôi ấn tượng nhiều hơn về thầy.

Vào đầu những năm 1990 dư luận Hà Nội xôn xao nhiều về ý định xây một khách sạn trên đất sân vận động của trường, một công trình gắn với danh tiếng lúc đó hơn 80 năm của Trường Bưởi - Chu Văn An. Nhiều nhân sĩ danh tiếng đã từng học nơi đây kiến nghị lên lãnh đạo cấp trên xin ngăn chặn việc “bán một phần Trường Chu Văn An (Hà Nội) làm khách sạn”. Thầy cùng một số thầy cô ở trường đã phản đối chủ trương có tính thực dụng đó. Ngày 31 tháng 3 năm 1992 trên Báo Nhân Dân có bài thầy viết dưới tiêu đề “Xây khách sạn gần trường Chu Văn An là phản giáo dục”, ký bên dưới: Phạm Văn Phái, học sinh cũ trường Bưởi - Chu Văn An Hà Nội. Sau đó một tháng rưỡi ý kiến của thầy trên tờ báo cùng những kiến nghị lâu nay của mọi người đã được phản hồi tích cực. Ngày 18.5.1992 cũng trên Báo Nhân Dân đã đăng ý kiến của ông Vũ Thịnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lúc đó, về việc đình chỉ liên doanh xây khach sạn, đồng thời nêu chủ trương giữ lại, sửa chữa khu sân vận động và cấp kinh phí tu sửa một số công trình phục vụ dạy, học, phòng thí nghiệm trong khuôn viên trường. Bây giờ đi qua mặt sau trường, từ đường ven Hồ Tây, thấy khung cảnh Sân vận động nhà trường với không khí tập luyện và giáo dục thể chất tấp nập ở đây, lại nhớ đến công lao ấy của các thầy cô thời đó.

Thầy đáng được là Nhà giáo tôn vinh lắm chứ. Thế nhưng tôi không thấy ở thầy một danh hiệu nào.

Những năm sau này, khi tôi đã nghỉ công tác, vài tuần tôi lại đến thăm thầy một lần. Nhà gần nên có lúc tôi đi bộ qua nhà thầy. Mỗi lần tôi đến, thầy lại cho tôi xem một cái mới. Một cuốn sách mới, một bức chân dung Bác Hồ thầy mới sưu tầm, một chi tiết thầy thấy hứng thú từ một cuốn sách, một nội dung mà thầy cho là không đúng trong một tác phẩm của một người nổi tiếng… Thầy cũng có lúc kể về những nhà khoa học có tiếng thầy gặp ở Đại học Humboldt, Berlin hay những ngày đọc sách trong các thư viện ở Pháp trước khi đi Algeria làm chuyên gia. Thầy kể với tôi những ngày vào đọc sách trong thư viện của Viện Thuộc địa Pháp ở Exa Provence. Ở đó thầy đọc được nhiều tư liệu về bác Tạ Quang Bửu và cả một số về cha tôi, hai người thầy rất quý trọng và hay nhắc đến lúc chuyện trò với tôi để tôi luôn hoàn thiện mình và dạy dỗ con cháu sao cho xứng đáng với truyền thống gia đình.

Sáng ngày 20 tháng 11 năm 2008, tôi đến thăm và chúc mừng thầy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là năm đầu tiên tôi nghỉ công tác. Lần này thầy kể tôi nghe những lần được gặp Bác Hồ. Thầy cho tôi xem một mảnh giấy nhỏ ép plastic mà thầy cất giữ trân trọng có chữ ký của Bác tặng thầy, với nét chữ Bác đề ngày 01 tháng 01 năm 1959. (Thầy nói, đúng ra hôm thầy được gặp Bác là 31 tháng 12 năm 1958). Rồi sau thầy kể tôi nghe câu chuyện vui về dịp ấy.

Vào buổi sáng ngày cuối tháng 12 năm 1958, Bác Hồ đến thăm trường Chu Văn An. Cùng đi với Bác có Bí thư Thành ủy Trần Danh Tuyên; ông Hiểu, Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội. Trong Ban Giám hiệu, được phân công phụ trách phòng ngoại khóa là một thầy có tên là Châu. Thầy Châu trong kháng chiến làm quân giới, hòa bình về công tác ở trường Chu Văn An. Thời gian đó thầy là đại biểu Quốc hội. Quốc hội đang kỳ họp nên hôm đó thầy vắng, và thầy Phái được cử thay báo cáo Bác buổi hôm ấy.

Đang là giữa một buổi học ngoại khóa môn hóa học với nội dung: Điện phân muối chlorat Natri để làm thuốc nổ. Sau khi nghe báo cáo Bác hỏi: Có dùng kinh phí và vật tư nội khóa cho công việc ngoại khóa này không?

Trả lời câu hỏi ấy của Bác, thầy đáp rằng chỉ có tiền điện để trả là của nhà trường, nhưng sản phẩm bán được (cho Công an làm đạn bắn thử) đem nộp lại trường. Số tiền bán được còn lớn hơn tiền điện.

Buồn cười nhất là có một học sinh con một nhà khá giả nào đó đi lên trước mặt Bác cùng một cái nồi nhôm nói là tự đúc ở trường đem biếu Bác. Bác hỏi làm được bao nhiêu cái nồi như thế. Cậu ấy trả lời: 10 ạ.

Bác nói: Khi nào được 10 lần như thế Bác sẽ lấy.

Lúc ấy Bác tỏ vẻ không tin, quay lại hỏi thầy Phái, lúc này được coi như người phụ trách ngoại khóa. Thầy thưa với Bác rằng: Một số em nhà có làm đồ nhôm, trường mượn khuôn về, kiếm nhôm phế liệu cho học sinh học đúc. để biết cách làm...

Xoay sang chuyện khác, Bác hỏi thầy Phái về việc học và bằng cấp của thầy.

Bác hỏi

Tú tài à?

Tú tài ở trong Thành hay trong kháng chiến?

Thầy trả lời là ở trường Chu Văn An. Bác hỏi thêm và biết thầy tôi có hai bằng tú tài, rồi Bác nói tiếp:

Bác nghe nói cháu có ba tú tài?

Vốn là thầy đỗ hai bằng tú tài trường Chu Văn An, như vậy khi phân ban thầy có 3 bằng tú tài. Bác Hồ tỏ ra hóm hỉnh hỏi thầy chuyện đó.Với con mắt thầy thì Bác Hồ thật sâu sát, đến đâu đều xem xét trước đến đó, cặn kẽ trong mọi công việc.

Tôi cũng muốn viết thêm rằng thời gian này học ngoại khóa thành một môn và môn này cũng rất quan trọng. Khẩu hiệu các trường lúc đó là Học đi đôi với Hành mà! Tuần nào chúng tôi cũng có một buổi để học ngoại khóa, để lao động kỹ thuật. Ngoài học ở xưởng trường, còn có những hôm đi học ở Xưởng sửa chữa của Đoàn xe 12, số 192A phố Quán Thánh ngay gần trường. Ở đó chúng tôi được các bác thợ cả mổ xẻ động cơ, truyền động của các loại máy xe con, chúng tôi giúp bác lau chùi và rồi theo hướng dẫn của bác thợ để lắp lại. Thế là chúng tôi đã có “bài học vỡ lòng” về động cơ đốt trong của xe hơi rồi. Cũng có hôm cả lớp nhảy xe điện xuống tận Ngã Tư Vọng, đến xưởng sản xuất loa phóng thanh cuả Đài Tiếng nói Việt Nam, ở đó chúng tôi học lắp, học hàn để có được các chiếc loa mới. Thời ấy có phong trào lắp đài bán dẫn Ga len, nên lao động ở đây chúng tôi mê lắm.

Cũng về học ngoại khóa, thầy Phái còn kể tôi nghe một chuyện khác, cũng là chuyện Bác Hồ đến thăm một trường phổ thông cấp 3 ở trung tâm thủ đô ít lâu trước đó. Bác cũng tìm hiểu về hoạt động ngoại khóa của trường và được Ban Giám hiệu nhà trường cho biết là đang cho các em học chế nước giải nhân tạo từ rơm và lưu huỳnh. Sau khi hỏi thêm, Bác không hài lòng việc dùng lưu huỳnh viện trợ cho học chính khóa đem làm ngoại khóa. Bác hỏi và biết được số lượng cả thầy trò trường này khoảng một ngàn người, rồi người nói: Với đông người như vậy, nước tiểu do con người thải ra không phải ít, đó không phải nhân tạo sao mà phải làm ra bằng cách tốn kém đó.

Thầy Phái (tên đầy đủ của thầy là Phạm Văn Phái) mất ngày 13 tháng 12 năm 2013, nhằm ngày 11 tháng 11 năm Quý Tỵ tại Bệnh viện Hữu Nghị. Tang lễ vào cuối buổi sáng ngày 17 tháng 12 tại Nhà Tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ tang thầy đúng hôm tôi đang nằm viện, sáng hôm đó tôi được đưa đi kiểm tra tổng thể đường tiêu hóa, rồi ngay buổi chiều tôi lên bàn mổ, mổ cấp ruột thừa. Cố gắng chịu đau cuối buổi sáng tôi qua nhà tang lễ viếng thầy, tiễn thầy một đoạn để từ biệt một người thầy thẳng thắn, dạy bảo không chỉ kiến thức mà còn có những cử chỉ và câu nói rất sư phạm cho nhiều lớp học trò. Những câu của thầy, 55 năm rồi mà tôi vẫn nhớ, để lưu lại nét đẹp của một con người thông tuệ, đôn hậu, thân tình mà cương trực, cẩn thận mà hóm hỉnh, nhưng về sau này lại cũng nhiều điều trăn trở, khổ đau vì một số việc xung quanh, và cả từ tâm lý, sức khỏe con nguời lúc cuối đời của thầy.

Qua 49 ngày, tôi đến nhà thắp nén hương để được tưởng nhớ đến thầy. Tôi lại cùng cô Phương, vợ thầy ôn lại các câu chuyện về những ngày tháng trước khi thầy ra đi. Cô Phương cũng nói chuyện với tôi về giá sách nhiều năm gắn bó với thầy. Tôi rút mấy cuốn sách trên giá, lật, lật từng trang. Trên các trang sách nhiều chỗ thấy thầy gạch chân, ghi chú bên lề, đánh dầu… thật tỉ mỉ bằng hai màu mực xanh đỏ. Qua đó mới biết sự nghiêm túc trong việc dùng kiến thức trong sách của người thầy của mình, và tôi lại nhớ thầy với những câu nói, việc làm mô phạm, với sự tường tận về hiểu biết của ông. Cô Phương có thiện ý tặng sách cho tôi. Tôi xin cô hai cuốn đã, để kỉ niệm thời khắc xúc động này, trong đó có cuốn Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh vì tôi cũng đang cần cho việc tra cứu lúc đó. Thỉnh thoảng nhìn thấy sách thầy, tôi lại nhớ đến hình ảnh lúc về già của thầy giáo mình, một ông lão có bộ râu phúc hậu, có nụ cười hóm và vui mỗi khi thầy đến thăm, ngồi trong thư phòng của tôi mà chuyện trò không dứt hoặc chăm chú nhìn tôi làm việc.


Ghi chú: (*) Thầy Phái quê xã Hông Hà, huyện Đan Phượng, nay thuộc Thành phố Hà Nội