Với địa phương thuần nông nghiệp này, để thực hiện tiêu chí đó thì điều cốt yếu nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất hàng hoá. Và cây bí xanh được lưạ chọn. Trồng bí theo hướng liên kết, chủ động nước tưới và tính toán lệch vụ để bí được giá đang được người dân địa phương này hướng tới…

Cán bộ xã Thanh Xuân bám ruộng, đồng hành cùng bà con đưa cây bí vào trồng thử nghiệm

Cây bí “bén đất” Thanh Xuân

Là địa phương “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt”, trước đây, người dân xã Thanh Xuân (Thanh Chương) chỉ độc canh cây lúa, cây màu (sắn, đậu) và hầu như đến vụ Hè Thu thì đồng ruộng để hoang. Ông Nguyễn Tố Như, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: “Thanh Xuân đặc thù lắm, là xã miền núi nhưng lại thường xuyên ngập úng. Đặc biệt là vụ Hè Thu, đầu vụ nắng hạn gay gắt nhưng cuối vụ lại ngập lụt, do đó, sợ mất trắng nên người dân bỏ hoang ruộng. Việc đưa cây bí về đồng đất Thanh Xuân cũng là cả “một câu chuyện dài”.

“Câu chuyện dài” mà Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân chia sẻ đó là vụ Đông Xuân năm 2023, xã chủ trương đưa cây bí vào trồng thay thế cây sắn kém hiệu quả. Vận động mãi nhưng chỉ có một vài hộ đăng ký, vậy là xã phải họp bàn, giao nhiệm vụ cho từng tổ chức, đoàn thể với phương châm “cán bộ đi trước”; cán bộ, công chức xã, trưởng các đoàn thể nêu gương đi đầu, nhận trách nhiệm đưa cây bí vào canh tác. Anh Bùi Văn Đại, Chủ tịch Hội Nông dân xã trồng 6 sào bí; chị Trần Thị Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã trồng 10 sào bí, Hội Cựu chiến binh 5 sào, Đoàn thanh niên nhận trồng 5 sào…

Anh Bùi Văn Đại, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân tiên phong trồng 6 sào bí

“Khỏi phải nói những ngày đầu ấy vất vả đến thế nào. Cán bộ xã bất kể giờ giấc, cứ xong việc công sở là ra ruộng cùng bà con trồng bí, từ khi ươm bầu, xuống giống đến khi làm giàn, bắt ngọn, bấm ngọn, ra quả… Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Bí sắp thu hoạch thì kết nối với thương lái để bao tiêu bí quả cho bà con. Kết thúc vụ Xuân, bí được mùa, được giá, nhà làm nhiều thu nhập đến 300 triệu đồng, nhà làm ít cũng có 30 triệu đồng, mỗi sào bí, nông dân “bỏ túi” 12 triệu đồng”, ông Như cho biết thêm.

Vụ Hè Thu 2023, trên diện tích 6ha nhưng xã chỉ đạo tập trung trồng ở những vùng chủ động nguồn nước tưới. Nhất là những vùng đồng ở gần hồ, đập, mương máng để lắp đặt hệ thống nước tự chảy, chủ động hoàn toàn việc tưới tiêu. Với cách làm này, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm công sức và đặc biệt, không lo bí gặp hạn khi gieo trồng vào thời gian nắng nóng đỉnh điểm. Hiện nay, toàn xã đã có gần 2,5ha bí gieo trồng sớm và hết tháng 6 này sẽ khép kín diện tích.

Liên kết sản xuất, trồng lệch vụ

Thường thì bí vụ Xuân được mùa, được giá là do thời tiết thuận lợi, dễ làm, dễ tiêu thụ vì các vựa bí phía Bắc chưa xuống giống. Trong khi đó, vụ Hè Thu, việc trồng bí khó khăn hơn do nắng hạn, thiếu nước tưới và giá bí cũng thất thường, khó tiêu thụ hơn. Để khắc phục tình trạng này, hiện người dân trồng bí ở các địa phương miền núi của huyện Thanh Chương như: Thanh Tiên, Thanh Liên, Thanh Nho, Thanh Hoà, Hạnh Lâm, Thanh Xuân… đã tìm ra cách để duy trì hiệu quả kinh tế của cây bí.

Kết nối thương lái thu mua bí tại ruộng

Anh Nguyễn Quang Hà, người dân trồng bí ở Thanh Xuân (Thanh Chương) cho biết: “Vụ Xuân gia đình tôi trồng 10 sào thì vụ Hè Thu này diện tích tăng lên 13 sào. Thuận lợi là chúng tôi chủ động được nguồn nước tưới; thứ hai là sau vụ bí đầu tiên, hiện tôi đã liên hệ được với một đại lý ở Quỳnh Lưu cam kết bao tiêu bí vụ Hè Thu với giá thị trường; thứ 3, để bí không mất giá thì trên diện tích 13 sào đó, tôi trồng rải vụ, không ồ ạt cùng lúc và tính toán chênh lệch thời gian thu hoạch rộ của các tỉnh phía Bắc. Đương nhiên, khi nguồn cung trên thị trường không ùn ứ thì giá cả sẽ không xuống thấp. So với các loại cây trồng khác, giá bí có xuống mức 3.000 đồng – 3.500 đồng thì người dân vẫn có lãi”.

Bên cạnh việc thực hiện liên kết trong thu mua, bao tiêu sản phẩm thì một bài học mà người dân Thanh Chương đã đúc rút ra nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đó là nghiên cứu kỹ thị trường, trồng rải vụ. Theo chị Nguyễn Thị Thuỷ (Thanh Lĩnh, Thanh Chương) cho biết: “Vụ Hè Thu, giá bí khá ổn định nhưng lại gặp mưa, lũ gây thiệt hại. Là người trồng bí lâu năm, vào vụ này, tôi cân nhắc chỉ làm những vùng đất ít chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, hạn hán, lũ lụt. Đồng thời, giãn vụ (chia đều khoảng cách xuống giống giữa các thửa) tránh không ồ ạt xuống giống cùng lúc và thu hoạch đồng loạt sẽ khó tiêu thụ hơn”.

Hoặc như ở xã Thanh Liên thì kinh nghiệm mà người trồng bí ở đây đúc rút được đó là trồng bí Hè Thu thì xuống giống từ tháng 6, đến tháng 9 cho thu hoạch, gọi là trồng trái vụ. Vụ bí này khó làm do điều kiện thời tiết bất lợi nhưng lại được giá. “Trồng bí trái vụ tuy năng suất không cao bằng chính vụ nhưng hiệu quả kinh tế lại cao gấp nhiều lần. Gia đình tôi có 2 sào đất ruộng, những năm trước sản xuất lúa Hè Thu nhưng năng suất không cao, năm nay chuyển sang trồng bí xanh trái vụ. Tính từ khi bắt đầu trồng cho đến khi thu hoạch chỉ có 90 ngày, cây bí cho thu hoạch từ 5 đến 6 lứa. Như các năm trước, giá bí Hè Thu luôn dao động từ 12-15.000 đồng/kg thì mỗi sào đã cho lãi 17-20 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”, ông Nguyễn Văn Thắng, xóm Liên Minh (xã Thanh Liên) cho biết.

Vụ Hè Thu, toàn huyện Thanh Chương gieo trồng 50ha bí

Vụ Hè Thu năm nay, toàn huyện Thanh Chương gieo trồng 50ha bí xanh, trong đó, phần lớn, các địa phương đã liên kết với các đầu mối thu mua, cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân theo giá thị trường. Ngoài thương lái trên địa bàn huyện thì người dân cũng chủ động kết nối với thương lái ở Nghi Lộc, Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu để tiêu thụ bí quả, đến khi thu hoạch thì gọi điện thoại, xe tải đến tận nơi thu mua với số lượng lớn. Bên cạnh đó, nhờ tính toán căn cơ nên bí Hè Thu sẽ thu hoạch muộn hơn so với bí các tỉnh phía Bắc từ 20 ngày đến 1 tháng, do đó, dễ tiêu thụ và được giá hơn. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, hiện nay, cây bí xanh đang trở thành cây trồng chủ lực của người dân Thanh Chương.