bna_3606(1).jpg
Chủ tọa điều hành kỳ họp và thư ký kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 21 diễn ra sáng 10/7, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đã thông báo về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền của MTTQ tỉnh; những vấn đề cử tri quan tâm; đề xuất, kiến nghị của MTTQ tỉnh đối với HĐND, UBND tỉnh.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành kỳ họp.

Đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh nhấn mạnh: Với tinh thần đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền; 6 tháng đầu năm 2024, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ động triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các nền tảng số với hơn 7.129 tin, bài; tổng hợp 1.962 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến cấp ủy, chính quyền.

bna_3615(1).jpg
Bà Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đã thông báo về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền của MTTQ tỉnh; những vấn đề cử tri quan tâm; đề xuất, kiến nghị của MTTQ tỉnh đối với HĐND, UBND tỉnh. Ảnh: Thành Cường

Gắn với tuyên truyền, các cấp Mặt trận đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động; trong đó có Chương trình “Tết vì người nghèo” với 133.342 hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách, người có công, người lao động khó khăn trong tỉnh được hỗ trợ quà Tết.

Đặc biệt, đã vận động các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 3.304 nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; lũy kế từ khi phát động là 8.626 nhà, đạt 55% kế hoạch của giai đoạn 2023 – 2025, với tổng kinh phí quy đổi hơn 620 tỷ đồng.

bna_3530(1).jpg
Các đại biểu HĐND tỉnh tham gia kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành Đại hội MTTQ 460 đơn vị cấp xã và 21 đơn vị cấp huyện, nhiệm kỳ 2024 - 2029; đồng thời chuẩn bị chu đáo, bài bản và chất lượng Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2024 - 2029, dự kiến tổ chức vào ngày 29 - 31/7/2024.

8 băn khoăn, lo lắng của cử tri và nhân dân

Bên cạnh chia sẻ những ghi nhận, đánh giá cao của cử tri và nhân dân về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc từ thực tiễn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, các cấp; Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh cũng làm rõ 8 vấn đề cử tri và nhân dân đang đặt ra băn khoăn, lo lắng.

Đó là, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất; cháy rừng, giông lốc, mưa đá xảy ra nhiều nơi; dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Việc thiếu trường, lớp hệ công lập, nhất là khu vực thành phố Vinh đã tạo áp lực lớn đối với học sinh, phụ huynh và công tác tuyển sinh. Công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu tạo việc làm, nhất là thanh niên ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực, xâm hại còn xảy ra tại một số địa phương.

Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện; công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân, dịch vụ thẩm mỹ chưa được chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của khách hàng. Một số bếp ăn tập thể tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm; một số trường học bán trú trên địa bàn thành phố có khối lượng tiêu thụ nước máy hàng tháng giảm bất thường, gây lo lắng cho các phụ huynh về sức khỏe các con.

bna_-mh.jpg
Tình trạng quá tải tại một số bệnh viện đang diễn ra. Ảnh: Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường còn bất cập, nhất là trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn đọng còn chậm, gây khó khăn cho người dân; tình trạng thiếu cát, sỏi xây dựng, thiếu đất san lấp…, diễn ra nhiều năm nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ cho người dân và địa phương.

Công tác cải cách hành chính còn những hạn chế; việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương có lúc, có nơi chưa chặt chẽ và thiếu chủ động; còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, gây chậm trễ trong giải quyết công việc. Cùng với đó, cử tri cũng đang băn khoăn việc phát sinh các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp sau sáp nhập các đơn vị hành chính.

Tình trạng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền, tài sản, tài khoản ngân hàng của người dân ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” còn tiềm ẩn; tình trạng “trá hình” tặng quà để bán hàng đa cấp, hàng kém chất lượng ở các thôn, xóm; tình trạng sử dụng “bóng cười”, thuốc lá điện tử ở giới trẻ, nhất là ở địa bàn thành phố tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu.

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cho bản thân khiến nhân dân bức xúc, bất bình; nhất là ở một số lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản...

Mặc dầu các cấp, các ngành đã có các văn bản phản hồi ý kiến, kiến nghị của cử tri đầy đủ, nhưng số ý kiến được giải quyết có kết quả cụ thể còn thấp, chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri và nhân dân.

bna_-chu-tich-uy-ban-mttq-tinh-va-huyen-nghi-loc-nam-bat-tinh-hinh-nhan-dan-va-tiep-thu-y-kien-cu-tri-huyen-nghi-loc.-anh-mai-hoa.jpg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh và huyện Nghi Lộc nắm bắt tình hình nhân dân và tiếp thu ý kiến cử tri huyện Nghi Lộc. Ảnh: Mai Hoa

7 kiến nghị, đề xuất của MTTQ với HĐND, UBND tỉnh

Thông qua hoạt động giám sát, lắng nghe ý kiến cử tri và nhân dân; Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh Sinh đã nêu 7 kiến nghị, đề xuất của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đối với HĐND, UBND tỉnh.

Đó là, kiến nghị UBND tỉnh sớm có giải pháp xử lý, tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện giải ngân 1.275 tỷ đồng chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án mở rộng Quốc lộ 1A cho người dân.

Kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp cụ thể đối với việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư, cũng như việc xử lý phát sinh các thủ tục hành chính cho người dân sau sáp nhập đơn vị hành chính.

bna_-linh-vuc-dat-dai-khoang-san-giai-phong-mat-bang-de-phat-sinh-don-thu.-anh-mai-hoa.jpg
Mỏ đất phục vụ san lấp, xây dựng đường giao thông tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Mai Hoa

UBND tỉnh cần xem xét và sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các huyện biên giới 30a trong việc sử dụng cát, sỏi tại chỗ để giảm giá thành vật liệu xây dựng các công trình cho các hộ dân và địa phương.

UBND tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và việc sử dụng nguồn nước của các bếp ăn tập thể, chú trọng bếp ăn các trường học mầm non, bán trú trên địa bàn tỉnh, nhất là địa bàn thành phố Vinh.

Kiến nghị UBND tỉnh đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2025 theo Quyết định số 1756 của UBND tỉnh và kết quả thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết 18/2021 của HĐND tỉnh.

Kiến nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nội dung thuộc Nghị quyết số 21, ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, ổn định đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp đôn đốc các sở, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân theo hướng tăng số lượng ý kiến được “giải quyết” có kết quả cụ thể; giảm số lượng những phản hồi mang tính “trả lời”, “giải thích” hoặc “chuyển tiếp văn bản”, để đáp ứng tốt hơn mong đợi của cử tri và nhân dân.

Mai Hoa