CTQH-a3-1703129051245.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tham dự cuộc làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Cùng dự có: Thường trực Ủy ban Kinh tế; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Đất đai trong hệ thống pháp luật, trong đời sống kinh tế, xã hội cũng như sự phát triển của đất nước. Do tính chất quan trọng và phức tạp của dự án Luật này nên vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã triển khai khối lượng công việc vô cùng lớn để xây dựng, hoàn thiện dự án Luật, tổ chức lấy ý kiến nhân dân với trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý về dự thảo Luật.

Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tại 3 Kỳ họp. Tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, Quốc hội đã tiếp tục cân nhắc thận trọng nhiều mặt, quyết định xem xét, thông qua dự luật tại Kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của luật sau khi được ban hành.

CTQH-1703129051073.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu còn tới 27 nội dung, nhóm nội dung có ý kiến khác nhau hoặc trình nhiều phương án khác nhau. Tuy nhiên, theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Kinh tế, đến nay chỉ còn 3 nội dung có ý kiến khác nhau, 3 nội dung đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn, có ý kiến chính thức và thiết kế phương án cụ thể.

Nhắc lại những nguyên tắc đã được xác định từ khi xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh 4 nguyên tắc nền tảng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thống nhất trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý các nội dung còn lại có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật:

Một là, phải tuân thủ Hiến pháp, đây là nguyên tắc tối thượng.

Hai là, quán triệt và thể chế hoá đầy đủ chủ trương của Đảng về đất đai, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16.6.2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

CTQH-a2-1703129051166.jpg
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Ba là, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các Luật liên quan vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu như Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)...

Bốn là, thực hiện đúng quan điểm của Trung ương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. Cụ thể là quan điểm "những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép; những chủ trương đã thực hiện, nhưng không phù hợp thì nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi kịp thời".

Nhất trí cao với 4 quan điểm được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại cuộc làm việc, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã tập trung thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Thường trực Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ lưỡng, toàn diện dự thảo Luật; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban liên quan tiếp tục rà soát các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách theo đúng nhiệm vụ đã được phân công... Các cơ quan tập trung cao độ cho việc hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng và các yêu cầu, mục tiêu đã đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Đất đai.