chu-tich-hdnd-tinh-thai-thanh-quy-de-nghi-thuc-hien-4-nhom-noi-dung-trong-linh-vuc-nong-nghiep--n5.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 6/7.

Đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu

Kết luận chất vấn nội dung này, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh đã bám sát nội dung chất vấn, đặt câu hỏi gọn, rõ ràng và đảm bảo thời gian.

Đối với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn, tuy mới nhận nhiệm vụ trong thời gian ngắn, song đã nắm khá chắc vấn đề, trả lời đầy đủ và khá rõ ràng; đề ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như thực hiện tốt chức năng quản lý của ngành.

Trong quá trình trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Công Thương và Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã trả lời các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực ngành phụ trách; làm rõ hơn các vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri tỉnh nhà quan tâm.

Làm rõ 4 ưu thế trong sản xuất nông nghiệp

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh và làm rõ 4 ưu thế trong sản xuất nông nghiệp của Nghệ An:

Thứ nhất, Nghệ An là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp và chính nông nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh. Điều này thể hiện rất rõ, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh lớn tốp đầu cả nước, khoảng 1,48 triệu ha; trong đó diện tích đất có rừng hơn 960.000 ha; có bờ biển dài 82 km và diện tích vùng biển 4.230 hải lý vuông; có đến 6 cửa sông, cửa lạch ra biển. Đây là lợi thế rất lớn của tỉnh ta về nông nghiệp.

Thứ hai, người dân có truyền thống sản xuất nông nghiệp và trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cây và con đặc sản, đặc hữu.

Thứ ba, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm trong cơ cấu kinh tế của tỉnh là 23,03% (năm 2022).

Thứ , tốc độ tăng trưởng nông nghiệp thuộc tốp đầu cả nước và có giai đoạn đứng đầu; năm 2021 đạt 5,42%, năm 2022 đạt 4,20% và năm 2023 ước đạt xấp xỉ 4,6%.

chu-tich-hdnd-tinh-thai-thanh-quy-de-nghi-thuc-hien-4-nhom-noi-dung-trong-linh-vuc-nong-nghiep--n6.jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - phát biểu kết luận chất vấn đối với nội dung thuộc lĩnh vực nông nghiệp

Một số khó khăn và điểm sáng

Mặc dù có nhiều thế mạnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý cũng chỉ ra những khó khăn, bất lợi trong sản xuất nông nghiệp của Nghệ An. Đó là, Nghệ An là tỉnh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Theo thống kê, năm 2022, tỉnh ta chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão, 1 đợt áp thấp nhiệt đới và 22 đợt không khí lạnh; 9 đợt nắng nóng; 33 đợt lốc, mưa lớn, mưa đá, sét (trong đó có 5 đợt mưa lớn trên diện rộng). Còn 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 3 đợt nắng nóng gay gắt, có thời điểm trên 40 độ C, như Tương Dương 41,3 oC.

Những tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Và hiện nay, hiện tượng Elnino (khô hạn) đã hiện hữu ngày càng rõ và dự báo xuất hiện nửa cuối năm 2023 và năm 2024.

Song, thời gian qua, Nghệ An ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đúng, trúng, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực về hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; về chuyển giao, đổi mới phương thức sản xuất; về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Phong trào xây dựng các sản phẩm OCOP lan toả khắp các địa phương trong tỉnh; số lượng sản phẩm được xếp hạng lớn thứ 2 trong cả nước (sau Thành phố Hà Nội), với tổng số 403 sản phẩm, trong đó có 175 sản phẩm ký kết đưa vào các kênh phân phối lớn, bán qua trực tuyến.

Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất khu vực nông thôn ngày càng thay đổi. Nghệ An đã có hơn 75% số xã về đích nông thôn mới; 53 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 6 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch đạt 87%...

5 hạn chế trong chỉ đạo, quản lý, điều hành

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý thẳng thắn chỉ ra 5 hạn chế trong chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển nông nghiệp của các cấp, các ngành, địa phương.

Thứ nhất, việc phổ biến chính sách đến người dân ở vùng sâu, vùng xa chậm và hiệu quả chưa cao.

Thứ hai, một số cơ chế, chính sách ban hành chưa đủ mạnh, còn manh mún. Như đại biểu HĐND tỉnh phản ánh còn có nội dung chưa phù hợp và bất cập, chưa sát thực tiễn. Ban hành chính sách, nhưng kinh phí phân bổ chưa đủ, còn chậm, thậm chí không được phân bổ từ đầu năm. Vì vậy chưa khuyến khích được đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; chưa khuyến khích được chuyển đổi quy mô sản xuất, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn…

Thứ ba, quy mô chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhìn chung còn nhỏ lẻ, thiếu ổn định, chưa tạo ra được nhiều vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất tập trung để ứng dụng công nghệ cao, đưa cơ giới vào sản xuất.

chu-tich-hdnd-tinh-thai-thanh-quy-de-nghi-thuc-hien-4-nhom-noi-dung-trong-linh-vuc-nong-nghiep--n2.jpg
Các đại biểu tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn

Thứ tư, việc ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ mới chỉ diễn ra ở một số địa bàn, dự án, một số khu vực; chưa được triển khai đồng bộ; nhiều mô hình tốt, cách làm hay chưa được nhân rộng. Ví dụ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có nhiều nơi làm, nhưng để nhân rộng hiệu quả thì chưa. Liên kết sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu bền chặt, nên từ sản xuất đến đầu ra sản phẩm chưa liên kết thành chuỗi.

Thứ năm, xây dựng thương hiệu sản phẩm còn hạn chế; kiến thức và kỹ năng về hợp tác, phát triển sản phẩm, thị trường, thương mại và quảng bá sản phẩm còn hạn chế…

Tập trung 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Từ thực trạng đặt ra, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương quan tâm 4 nhóm nội dung:

Một, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện tốt các chính sách hiện có; làm thay đổi nhận thức, thay đổi tư tưởng sản xuất, làm ăn cho người nông dân; hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp bền vững và hướng tới liên kết trong sản xuất đạt hiệu quả cao.

Hai, tiến hành rà soát các cơ chế, chính sách của cả Trung ương, của tỉnh; xem nội dung nào bất cập hoặc chưa đảm bảo để điều chỉnh, bổ sung đối với các chính sách thuộc thẩm quyền tỉnh; kiến nghị điều chỉnh, bổ sung thuộc thẩm quyền Trung ương. Rà soát các thủ tục hành chính để thực hiện các chính sách; những thủ tục còn rườm rà, khó tiếp cận; chính sách trúng, nhưng thủ tục đưa chính sách vào cuộc sống rườm rà... Qua rà soát để tham mưu đề xuất chính sách đủ mạnh để phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa, bền vững, an toàn.

Ba, tiếp tục chỉ đạo tích tụ ruộng đất, phát triển các vùng tập trung phù hợp với cây trồng, vật nuôi theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến. Muốn làm được như vậy, phải đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp. Đây là việc làm mà tỉnh ta đang làm yếu.

Mặt khác, đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng các vùng chuyên canh, dịch vụ kỹ thuật để đảm bảo sản xuất hiệu quả, hỗ trợ cơ giới hóa và sản xuất quy mô lớn; hình thành cụm hạt nhân trong mỗi vùng chuyên canh có cơ sở hạ tầng hiện đại. Khuyến khích cơ chế liên kết trong sản xuất nông nghiệp: liên kết ngang giữa các tác nhân: kinh tế hộ, nông trang, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp…và liên kết dọc theo toàn chuỗi giá trị, từ khi đầu vào sản xuất và đầu ra thị trường.

Bốn là, tăng cường công tác dự báo, đánh giá, cảnh báo thông tin về thị trường các nông sản chủ lực để điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp với yêu cầu thị trường. Tiến hành xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nông nghiệp và nông thôn, đảm bảo thực hiện tốt trong công tác quản lý, kết nối thông tin, dữ liệu từ sản xuất, kết nối cung - cầu thị trường, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn thực phẩm, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành liên quan; đặc biệt Thường trực HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tỉnh theo dõi, giám sát việc thực hiện kết luận chất vấn và những cam kết trong quá trình thực hiện chất vấn tại Kỳ họp 14, HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, nhằm tạo nhiều chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.