Nghị định 21/2024 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nghị định này sửa quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động. Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

cong-nhan-895.jpg?width=0&s=RG5smUr2HWepSdBGGaZzzA
Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định.

Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/4.

Mới được tuyển 6 tháng thì không được xét lao động tiên tiến

Thông tư 1/2024 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng sẽ có hiệu lực từ 15/4.

Theo đó, những cá nhân mới được tuyển dụng dưới 6 tháng sẽ không được xét tặng danh hiệu “lao động tiên tiến”, “chiến sĩ tiên tiến”.

Ngoài ra, một số trường hợp cụ thể khác về việc bình xét danh hiệu nay được thực hiện như sau:

Người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, nhân dân và bị thương cần phải điều trị, điều dưỡng thì thời gian này vẫn được tính để bình xét hai danh hiệu này.

Người đi đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 1 năm, nếu chấp hành tốt quy định của nơi học tập, bồi dưỡng thì tính thời gian này để bình xét danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ tiên tiến…

Thanh niên xung phong được cộng dồn thời gian công tác để xét tặng huy chương

Nghị định 28/2024 của Chính phủ về trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, có 3 mốc thời gian cụ thể để xem xét.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ ngày 15/7/1950 đến 20/7/1954; kháng chiến chống Mỹ từ 21/7/1954 đến 30/4/1975, trong đó có chống Mỹ ở hai miền Bắc - Nam và làm nhiệm vụ giúp nước bạn Lào từ tháng 5/1972 đến 12/1975.

img5955-16549147491821949132872-896.jpg?width=0&s=1KcbWaKlBuAqTVxEFkj3Lw
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, thăm hỏi các cựu thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc hồi giữa năm 2022. Ảnh: Nhật Bắc

Với thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, có các mốc thời gian như chiến tranh biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến tháng 1/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc từ 1979 đến 1988, làm nhiệm vụ giúp Lào từ 1975 đến 1988, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia từ 1979 đến 1989 và truy quét Fulro từ 1975 đến 1992.

Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, có thời gian tại ngũ từ đủ 24 tháng trở lên thì được tặng, truy tặng. Thanh niên xung phong khi xét khen thưởng được cộng dồn thời gian tham gia công tác trong các mốc thời gian quy định trên để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xét tặng, truy tặng.

Chính phủ cũng quy định trường hợp không được xét, truy tặng khi đã bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án về một trong tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác bị áp dụng hình phạt tù hoặc tham gia chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước, đào ngũ, phản bội, chiêu hồi. Họ khi đó đã bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của người có công với cách mạng.

Nghị định có hiệu lực từ 20/4.

Theo báo cáo của Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, đến nay, số lượng Thanh niên xung phong tham gia các thời kỳ kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã xác nhận được khoảng 420.000 người (bao gồm cả liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học).

2 quy định của Luật Đất đai có hiệu lực

Mặc dù Luật Đất đai 2024 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2025 nhưng có 2 quy định sẽ có hiệu lực từ 1/4.

Các hoạt động lấn biển: Nguyên tắc của hoạt động lấn biển, trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động lấn biển…

Các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 về: Nguyên tắc, căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.