Định hướng khu vực phát triển Đô Lương

Tại Tờ trình số 1684 /TTr-UBND ngày 16/03/2022 của UBND tỉnh nêu rõ: Xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030 là một việc làm cần thiết và cấp bách nhằm hoạch định kế hoạch cụ thể phát triển đô thị giai đoạn ngắn hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng phát triển đô thị bền vững tương xứng với vai trò vị thế chức năng của đô thị Đô Lương trong giai đoạn hội nhập, phát triển. Định hướng phát triển huyện Đô Lương thành thị xã theo hướng thương mại – dịch vụ và làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo như xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng đô thị, quản lý đất đai, tài nguyên, đầu tư xây dựng hạ tầng...

33.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Trên cơ sở Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An; quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Nghệ An, quy hoạch vùng tỉnh Nghệ An; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương; khu vực phát triển đô thị được xác định là khu vực đầu tư xây dựng theo giai đoạn. Khu vực phát triển định hướng thành 03 khu vực, chia làm 12 đơn vị hành chính (phường), có tính chất khác nhau, tạo nên sự đa dạng và sức hút đô thị khác nhau.

Định hướng huyện Đô Lương phát triển thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ

Huyện Đô Lương hiện tại có 32 xã và 01 thị trấn, phạm vi quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương nằm trong địa giới hành chính của 13 xã và 01 thị trấn, dự kiến đô thị Đô Lương khi huyện Đô Lương trở thành thị xã sẽ chia làm 12 phường, 19 xã còn lại (vùng nằm ngoài đô thị Đô Lương) dự kiến sẽ chia thành 12 xã. Tổng cộng đơn vị hành chính cấp phường, xã khi huyện Đô Lương trở thành thị xã là 24 đơn vị hành chính, giảm được 09 đơn vị hành chính cấp xã.

34.jpg
Huyện Đô Lương nhìn từ trên cao

Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng huyện Đô Lương trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ thì huyện Đô Lương cần có định hướng phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thời gian tới cần tập trung định hướng phát triển mạnh mẽ cho thương mại, dịch vụ, khẳng định vai trò của thương mại, dịch vụ là một ngành kinh tế quan trọng của huyện, phấn đấu trở thành một trong những nơi phát triển về thương mại, dịch vụ của tỉnh. Định hướng về đón đầu phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ là vùng tiếp giáp với các tuyến đường lớn, quan trọng như vùng tiếp giáp giữa QL/7 và QL.7C (đường N5). Ngoài ra, tập trung phát triển các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa – du lịch, công nghiệp.

Bên cạnh giải pháp chung để xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030, Đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể gồm: Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và sự đồng thuận của người dân trong xây dựng phát triển đô thị, thị xã; tập trung công tác quy hoạch, định hướng, chỉnh trang phát triển đô thị, xây dựng thị xã; tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị, xây dựng thị xã; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị, thị xã; hoàn thành kết cấu hạ tầng đô thị, thị xã theo tiêu chí. Đồng thời, huy động mọi nguồn vốn, nguồn lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư phát triển trên địa bàn.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ huyện Đô Lương

Hiện nay, nguồn kinh phí phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Đô Lương cơ bản từ ngân sách địa phương của UBND tỉnh giao hàng năm và nguồn thu sử dụng đất phân cấp cho cấp huyện được phân cấp theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh Nghệ An (nay thay thế bằng Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An), mỗi năm được khoảng 70 tỷ đồng,

Theo Dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã đưa ra cơ chế, chính sách đặc thù: Huyện Đô Lương được hưởng 100% tiền sử dụng đất thu được từ các khu đất quy hoạch (tại thị trấn Đô Lương và các xã Yên Sơn, Văn Sơn, Lạc Sơn) với diện tích đất ở khoảng 25,43ha để bố trí đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn huyện thực hiện Đề án “Xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030” Với cơ chế, chính sách đặc thù nếu được HĐND tỉnh thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huyện Đô Lương thực hiện Đề án “Xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030”.

Hoàng Bá

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh