Dù chủ trương đã có, thực hiện tinh gọn bộ máy chúng ta cũng đã làm, nhưng lần này đòi hỏi chúng ta phải làm quyết liệt hơn, triệt để và toàn diện hơn. Bởi, đây là thời điểm chín muồi để thực hiện “cuộc cách mạng” về bộ máy, bảo đảm cho bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện tinh gọn bộ máy, chúng ta “không thể chậm trễ hơn được nữa”. Đây là sức mạnh nội tại cần thiết khi “đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình”. Điều này đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn của những người trong cuộc.

Với tinh thần “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”, nhiều bộ, ngành đã và đang khẩn trương “xắn tay” vào cuộc, xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn đầu mối. Việc triển khai thực hiện chủ trương tinh gọn có hiệu quả hay không cần phải được lượng hóa bởi những con số cụ thể.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính. Theo kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Được biết, tổng số đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trước khi sắp xếp là 56 đầu mối. Theo kế hoạch sau khi sắp xếp lại hai bộ thành Bộ Kinh tế, Tài chính sẽ có 35 đầu mối và thêm 1 đầu mối là đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vào; giảm tổng số 22/56 đầu mối.

Trong khi đó, là 1 trong 8 bộ, cơ quan ngang bộ được duy trì, nhưng có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, Bộ Công Thương cũng đề xuất phương án tinh gọn. Theo đó, kết thúc mô hình tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường, chuyển 63 Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố và kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương. Đồng thời hợp nhất một số cục, vụ… Thực hiện phương án sắp xếp tinh gọn, số đầu mối trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương giảm 5 đơn vị (từ 28 đơn vị xuống còn 23 đơn vị), tức giảm 17,8% số đầu mối.

Đây mới chỉ là một trong những Bộ đã và đang có kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy khi hợp nhất; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong. Và ở nhiều địa phương, phương án sắp xếp, tổ chức bộ máy cũng đã và đang được tiến hành khẩn trương. Dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng những con số bước đầu về dự kiến giảm đầu mối và tổ chức bên trong của các bộ, của địa phương cũng cho thấy, tinh thần quyết liệt trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này.

Việc lượng hóa giảm đầu mối, gọn cơ cấu bên trong sẽ giúp bộ máy giảm bớt những tầng nấc trung gian không cần thiết, giảm gánh nặng ngân sách. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, việc tinh giản không có nghĩa là cắt giảm cơ học mà tinh gọn bộ máy phải đi đôi với tinh giản biên chế, chất lượng cán bộ, công chức, để cơ quan nhà nước không còn là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động thực chất của bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả của nền công vụ hiện đại, mang tính phục vụ đúng nghĩa.

Lợi ích từ việc tinh gọn bộ máy là điều không thể phủ nhận. Nhưng tinh gọn bộ máy cũng một việc “khó, rất khó” là điều ai cũng có thể cảm nhận. Khó cho người thực hiện và khó cho cả những đối tượng chịu ảnh hưởng từ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Nhưng không vì khó, vì rào cản mà chùn bước. Vì lợi ích chung, vì sự phát triển, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm làm cho bằng được. Điều này không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu, mà cần có cả sự hy sinh của người trong cuộc - nhất là những cán bộ thuộc diện dôi dư ở lần sắp xếp lần này.

Và sự hy sinh quyền lợi vì lợi ích chung của mỗi người trong tinh gọn bộ máy cũng cần được ghi nhận một cách xứng đáng. Do đó, Nhà nước cần có các chính sách phù hợp đối với những trường hợp rời khỏi công vụ do tinh gọn bộ máy. Nên chăng cần phân tách thành nhóm cán bộ tạo điều kiện chuyển công tác khác và nhóm cán bộ dôi dư. Với nhóm cán bộ chuyển công tác khác, hay cho thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, cần được nghiên cứu, tính toán cẩn trọng, “thấu tình, đạt lý” để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Làm tốt được điều này sẽ tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân, nhất là những đối tượng thuộc diện dôi dư, tránh được những “tâm tư này, tâm tư kia” không đáng có.

Song Hà