Trong những năm qua, cùng sự nghiệp phát triển dạy nghề, đội ngũ nhà giáo dạy nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An tăng nhanh về số lượng. Tính đến 31/12/2020, tổng số nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 2.719 người, tăng 7,5% so với năm 2015 (biên chế 1.378 người, chiếm 50,68%; hợp đồng 1.341 người, chiếm 49,32%). Chất lượng từng bước được nâng lên về chuẩn trình độ đào tạo, kỹ năng nghề và năng lực sư phạm, có 2.719 nhà giáo đạt chuẩn về trình độ chuyên môn (đạt 100%); 1.375 nhà giáo đạt chuẩn kỹ năng nghề (đạt 50,57%); 2.680 nhà giáo đạt chuẩn nghiệp vụ sư phạm (đạt 98,56%); 1.947 nhà giáo có trình độ ngoại ngữ bậc 1, 2 và bậc 3 trở lên (đạt 71,6%); 2.575 nhà giáo có trình độ cơ bản và nâng cao về tin học (đạt 94,7%). Trong những năm qua, đội ngũ nhà giáo dạy nghề đã góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng dạy nghề nói riêng, chất lượng nguồn nhân lực nói chung. Tuy nhiên, so với yêu cầu đào tạo nghề hiện nay đội ngũ nhà giáo còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa phù hợp, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu.

nha-giao-dang-huong-dan-sinh-vien-thuc-hanh-nghe-hinh-minh-hoa.jpg
Nhà giáo đang hướng dẫn sinh viên thực hành nghề-Hình minh họa

Thiếu trầm trọng đội ngũ nhà giáo dạy nghề

Một thực trạng chung hiện hay đã được Đoàn giám sát HĐND tỉnh về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chỉ ra đó là đội ngũ nhà giáo dạy nghề thiếu trầm trọng nhất là đội ngũ nhà giáo cơ hữu.

Theo rà soát của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tại văn bản số 3076/SLĐTBXH.DN ngày 7/10/2020 thì số nhà giáo còn thiếu so với nhu cầu là 207 người, trong đó các trường Cao đẳng thiếu 46 người, các trường Trung cấp thiếu 111 người, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thiếu 50 người. Một số trường thiếu nhiều nhà giáo như: Trường Cao đẳng Thương mại-Du lịch Nghệ An thiếu 20 nhà giáo, Trường Trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An thiếu 26 nhà giáo, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An thiếu 21 nhà giáo,…Ông Đoàn Hồng Vũ-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng: Với số lượng nhà giáo còn thiếu (207 người) so với nhu cầu đào tạo, Sở đã trình bổ sung định biên nhưng không được phê duyệt, để đảm bảo hoạt động dạy nghề các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phải ký hợp đồng giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ được giao số lượng biên chế, không được giao số lượng lao động hợp đồng.

Trao đổi những bất cập đối với đội ngũ nhà giáo dạy nghề hiện nay, ông Chu Đức Thái - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng: Qua giám sát thực tế tại các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho thấy số lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo dạy nghề hiện nay đang thừa, thiếu cục bộ. Còn thiếu đội ngũ nhà giáo lành nghề, chuyên sâu để giảng dạy một số nghề mới, nghề kỹ thuật công nghệ cao, chương trình đào tạo mới, chương trình đào tạo tiên tiến theo chuẩn quốc tế (nhà giáo đạt chuẩn kỹ năng nghề chỉ đạt 50,57%). Một số Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên không có giáo viên dạy nghề.

Ong-Doan-Hong-Vu---Giam-doc-So-Lao-dong-Thuong-binh-va-Xa-hoi-trao-doi-nhung-ve-bat-cap-ve-so-luong-nha-giao-day-nghe-tinh-trang-chay-mau-chat-xam-nha-giao-day-nghe.jpeg
Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trao đổi những về bất cập về số lượng nhà giáo dạy nghề, tình trạng chảy máu chất xám nhà giáo dạy nghề

Do thiếu nhà giáo, để đảm bảo hoạt động dạy nghề hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đều phải hợp đồng nhà giáo. Đơn cử trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An số nhà giáo cơ hữu chỉ có 14 người, để đảm bảo hoạt động dạy nghề trường đã phải hợp đồng 19 nhà giáo. Trường Cao đẳng Kỹ thuật-Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc với quy mô trường lớp hiện tại cần 168 số lượng người làm việc nhưng mới được giao số biên chế 82 người, chưa được giao số lượng hợp đồng. Việc thiếu giáo viên dẫn đến tình trạng giáo viên phải dạy vượt hơn 300 giờ/năm.

Mặc dù thiếu nhà giáo dạy nghề trong khi quy mô trường, lớp tăng, nhưng các trường lại hoàn toàn không được chủ động trong việc tuyển dụng nhà giáo hợp đồng, không được ký hợp đồng dài hạn chỉ được ký hợp đồng 3 năm do đang siết chặt quản lý biên chế và số lượng người làm việc tại các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, còn phải tiếp tục tinh giản giảm biên chế theo chủ trương chung, điều này dẫn đến các trường rất khó khăn trong việc đảm bảo đủ số lượng giáo viên theo nhu cầu đào tạo thực tế.

Chế độ, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng

Mặc dù với đặc thù nghề nghiệp vừa là một nhà giáo vừa là kỹ thuật viên có tay nghề nhưng thu nhập từ lương và phụ cấp theo lương lại rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội, đặc biệt nhà giáo dạy nghề hợp đồng càng không được đảm bảo chế độ đãi ngộ tương xứng. Theo ông Nguyễn Văn Tài-Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An cho rằng: chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên nói chung nhất là giáo viên hợp đồng còn thấp, chưa đảm bảo tương xứng với mặt bằng chung của xã hội; chính sách, chế độ đối với giáo viên hợp đồng có bất cập, chưa công bằng đối với giáo viên biên chế, đều là đi dạy như nhau, nhưng giáo viên hợp đồng hưởng mức lương thấp hơn, không được tăng lương, không được xếp hạng, bậc lương, không được hưởng thâm niên giảng dạy,...

Tình trạng ”chảy máu chất xám” đội ngũ nhà giáo dạy nghề

Chế độ chính sách chưa đảm bảo, giáo viên không được biên chế hoặc ký hợp đồng dài hạn là nguyên nhân chính dẫn đến khó giữ chân các nhà giáo dạy nghề có đủ năng lực ở lại công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, làm rò rỉ chất xám, ngày càng bất lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 170 nhà giáo dạy nghề bỏ ra ngoài làm việc, trong số này chủ yếu là nhà giáo hợp đồng. Đây cũng là nguyên nhân khó thu hút được người giỏi, người có tay nghề cao làm nhà giáo dạy nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

mot-lop-hoc-nghe-tai-truong-trung-cap-kinh-te---ky-thuat-bac-nghe-an.jpg
Một lớp học nghề tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An

Theo bà Trần Thị Thu Lan-Trưởng phòng Tài vụ-Trường Cao đẳng Kỹ thuật-Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc cho rằng: đội ngũ giáo viên dạy nghề có trình độ tại trường là nguồn thu hút của các doanh nghiệp, tuy nhiên hiện nay chính sách, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên chưa tương xứng, đội ngũ nhà giáo hợp đồng lâu năm chưa được quan tâm tuyển dụng vào biên chế, điều này dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” đội ngũ nhà giáo. Hiện đã có 5 nhà giáo bỏ ra ngoài làm việc cho các doanh nghiệp với mức lương, thu nhập cao hơn.

Chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo dạy nghề. Do đó, cần nghiên cứu cơ chế đặc thù để đảm bảo số lượng nhà giáo dạy nghề, đảm bảo các chế độ, chính sách, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo cống hiến.

Nguyễn Thị Vân

VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh