Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Kính thưa Quốc hội,
Kính thưa đồng bào và cử tri cả nước,
Theo chương trình, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV được tiến hành trong thời gian 2,5 ngày, bắt đầu từ sáng nay 6.6 đến sáng 8.6.2023 và được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Nội dung chất vấn tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Ủy ban Dân tộc. Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ hơn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn để làm căn cứ cho các cơ quan tổ chức triển khai, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện.
Bên cạnh 4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn, trong những ngày vừa qua của Kỳ họp, trên cơ sở thực tiễn, ý kiến của Nhân dân, của cử tri và của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận Tổ và Hội trường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã quan tâm thúc đẩy hoặc khởi động giải quyết nhiều vấn đề bức thiết của Nhân dân và doanh nghiệp như:
Ngày 1.6.2023, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả;
Bộ Xây dựng đã rà soát tổng thể để xem xét sửa đổi bổ sung Quy chuẩn QCVN 06:2022 đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, bảo đảm cơ sở khoa học và có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của Việt Nam;
Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trực tiếp làm việc, hướng dẫn tại các địa phương có tập trung nhiều doanh nghiệp còn vướng mắc trong công tác phòng cháy và chữa cháy;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm 2023, là tiền đề để có thể giảm cả lãi suất huy động và cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp;
Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã cho phép đấu nối lưới điện quốc gia đối với một số dự án cụ thể;
Bộ Giao thông vận tải, trong ngày 3.6, đã quyết định cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định xe, theo đó, khoảng 2 triệu xe ô tô đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải được lùi thời hạn kiểm định thêm 6 tháng...
Với phương châm tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan triển khai rất sớm công tác chuẩn bị[1] để việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn bảo đảm kỹ lưỡng, cẩn trọng, đúng quy định của pháp luật, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bám sát những vấn đề thực tiễn đặt ra; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri.
Trên cơ sở thống kê đầy đủ các thông tin về việc trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Trưởng ngành và nội dung các nhóm vấn đề đã chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; căn cứ đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội về 136 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của 20 Bộ, cơ quan ngang Bộ và ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn, trình 5 nhóm vấn đề để Quốc hội quyết định 4 nhóm vấn đề và tổ chức chất vấn trong Kỳ họp này. Đây đều là những vấn đề lớn, quan trọng, không chỉ cần thiết, cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa quan trọng, lâu dài; trong đó, các Bộ trưởng: Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Ủy ban Dân tộc lần đầu tiên trả lời chất vấn Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ Năm là kỳ họp đầu tiên thực hiện Nội quy kỳ họp Quốc hội mới (có hiệu lực từ ngày 15.3.2023), ghi nhận những cải tiến đã được thử nghiệm và phát huy hiệu quả tại các kỳ họp gần đây về phương thức tiến hành phiên chất vấn. Theo đó, việc đặt và trả lời câu hỏi chất vấn được tiến hành theo hình thức hỏi nhanh, đáp gọn: đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi không quá 1 phút; tranh luận mỗi lần không quá 2 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút đối với mỗi câu hỏi. Các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành liên quan tham gia giải trình theo điều hành của Chủ tọa để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội hoặc trả lời trực tiếp các câu hỏi thuộc nhóm vấn đề chất vấn.
Để bảo đảm hiệu quả của phiên chất vấn, theo quy định tại Điều 19 của Nội quy kỳ họp Quốc hội, Chủ tọa có quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng chất vấn hoặc tranh luận, yêu cầu người bị chất vấn dừng trả lời chất vấn nếu quá thời gian; chất vấn, tranh luận không đúng nội dung hoặc trả lời chất vấn không đúng trọng tâm. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cân nhắc, lựa chọn, mỗi lần chất vấn chỉ nên nêu 1 hoặc vài vấn đề mà đại biểu tâm đắc nhất; nêu câu hỏi gọn, rõ ràng để các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành có thể nghe được, lĩnh hội được nhanh nhất. Các vị đại biểu Quốc hội chỉ tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn, không sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu Quốc hội đã chất vấn trước đó. Khi có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký tranh luận về cùng vấn đề thì người đã nêu chất vấn về vấn đề đó được ưu tiên tranh luận trước.
Theo kinh nghiệm, mức độ thành công của phiên chất vấn và trả lời chất vấn phụ thuộc vào cả người chất vấn và người trả lời chất vấn.
Kính thưa Quốc hội,
Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội; là dịp để cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá năng lực, trách nhiệm, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và những người giữ chức vụ, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tính từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV cho đến trước Kỳ họp thứ Năm, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được tiến hành tại 3 kỳ họp Quốc hội và 3 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đã có gần 700 lượt đại biểu tham gia chất vấn tại các kỳ họp, phiên họp[2]; 21 thành viên Chính phủ bao gồm Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và 19 thành viên Chính phủ đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, thực hiện quy định tại Điều 15 và Điều 26 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, những chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại các kỳ họp, phiên họp đã được các thành viên Chính phủ nghiên cứu và trả lời bằng văn bản.
Trên cơ sở sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, với thực tiễn phong phú trong ngành, lĩnh vực công tác và kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình hoạt động tại Quốc hội, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần 5T “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” trong hoạt động chất vấn. Với yêu cầu “rõ trách nhiệm và rõ giải pháp”, đề nghị các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và Nhân dân cả nước, giải trình rõ ràng về những nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục, để phiên chất vấn thực sự hiệu quả, thực chất, có chiều sâu, mang tính xây dựng cao; không chỉ góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề thời sự cấp bách, mà còn nhận diện và đề xuất giải pháp cho những vấn đề căn cơ, lâu dài, tạo chuyển biến thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.
Với tinh thần làm việc hết sức tập trung, tâm huyết, thẳng thắn và cầu thị, sử dụng hiệu quả thời gian, tuân thủ nghiêm túc quy định của Nội quy Kỳ họp Quốc hội, chúng ta tin tưởng rằng phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ thành công tốt đẹp, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Chương trình cụ thể phiên chất vấn đã được gửi đến từng đại biểu Quốc hội. Mở đầu phiên chất vấn hôm nay là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ trả lời các vấn đề sau đây:
Một là, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn và lĩnh vực trọng điểm;
Thứ hai, thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay;
Thứ ba, giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần có xu hướng gia tăng.
Trong phiên chất vấn này, khi cần thiết, Đoàn Chủ tịch sẽ mời Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Trưởng ngành như: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Y tế, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo giải trình thêm về những vấn đề liên quan.
Sau đây xin trân trọng mời Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu ý kiến ngắn trước khi trực tiếp trả lời chất vấn các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
[1] Ngay từ đầu tháng 4, trước khi triệu tập kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội trên cơ sở hoạt động thực tiễn, đề xuất nội dung, lĩnh vực chất vấn, gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, để có cơ sở lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn.
[2] - Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV: có tổng số 170 lượt đại biểu tham gia chất vấn, trong đó, 134 lượt chất vấn, 12 lượt đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, 24 lượt tranh luận.
Tại Kỳ họp thứ 3: có 133 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận.
Tại Kỳ họp thứ 4: có 345 lượt ĐBQH đăng ký, 149 lượt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 22 đại biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
- Tại phiên họp thứ 9 và thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (năm 2022) có 93 đại biểu chất vấn và 28 đại biểu tranh luận; tại phiên họp thứ 21 - phiên chất vấn đầu tiên của năm 2023 có 49 đại biểu chất vấn và 10 đại biểu tranh luận.
-----------------------------