Một giờ học của cô và học sinh Trường tiểu học Thành Công B (Ba Đình, Hà Nội)

Ðến thời điểm này, với hơn 1,6 triệu nhà giáo ở các cấp học từ mầm non, phổ thông đến dạy nghề, đại học, cho thấy đội ngũ nhà giáo không chỉ lớn mạnh về số lượng, mà chất lượng ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tính đến hết năm học 2023-2024, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non là 89,3%, tiểu học là 89,9%, trung học cơ sở là 93,8%, trung học phổ thông là 99,9%. Bộ Giáo dục và Ðào tạo đang tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng tình hình đổi mới.

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên, sau khi Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã phối hợp Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.

Ðến tháng 4/2024, các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung của năm học 2023-2024. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Mặc dù vậy, trong tiến trình xây dựng và phát triển theo xu hướng đổi mới vẫn còn những bất cập. Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa thật sự tương xứng với vị thế, vai trò, sự tâm huyết, trách nhiệm và cống hiến của đội ngũ nhà giáo.

Nhà giáo chưa nhận được sự quan tâm, bảo vệ xứng đáng từ xã hội, còn xảy ra một số sự việc đáng buồn về cách ứng xử từ xã hội, phụ huynh, người học đối với nhà giáo. Một bộ phận nhỏ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngại đổi mới, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng, vai trò của đổi mới giáo dục. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ còn diễn ra ở các địa phương, trong khi đó lại thiếu một số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhất là các môn Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm-Hướng nghiệp, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội Luật Nhà giáo, là một giải pháp quan trọng về mặt thể chế nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo.

Nhằm tạo hành lang pháp lý, bảo đảm quyền lợi công bằng cho nhà giáo, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đang triển khai nghiên cứu chế độ phụ cấp ưu đãi viên chức ngành giáo dục và thực hiện rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách về chế độ tiền lương đối với viên chức các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Ðặc biệt, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội Luật Nhà giáo, là một giải pháp quan trọng về mặt thể chế nhằm hướng tới mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo.

Ðể đạt được mục tiêu của đổi mới giáo dục, đào tạo và nhà giáo hạnh phúc với công việc, bên cạnh sự phối hợp đồng bộ từ Nhà nước, các cấp quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh, rất cần chính sách đột phá để hỗ trợ đội ngũ nhà giáo vượt qua khó khăn nêu trên.

Ngành giáo dục đã và đang từng bước nỗ lực đổi mới, trong đó, tập trung sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý để tháo gỡ các điểm nghẽn. Hy vọng với những chính sách đó, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý sẽ ngày càng phát triển, nâng tầm, đáp ứng hơn nữa yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.