Đầu tư ít, lãi cao
Năm 2016, sau nhiều năm lăn lộn làm thuê đủ nghề, anh Trương Duy Luých xóm Ráng, xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn) quyết định về quê lập nghiệp. Nhận thấy, nhiều vùng đất của xóm Ráng là đầm lầy bỏ hoang, trong khi nhu cầu của thị trường về con ốc bươu đen rất lớn, anh Luých tìm tòi học hỏi các mô hình, sau đó nạo vét, đắp bờ đầu tư nuôi loại ốc bươu đen đặc sản. Anh Luých cho biết: “Nuôi ốc bươu đen không tốn nhiều công sức, tiền của. Thời gian nuôi từ khi đẻ trứng đến khi xuất bán khoảng 4 tháng. Thức ăn của ốc bươu đen chủ yếu là những thứ có sẵn ở địa phương như lá sắn, xơ mít, bèo, lá chuối...”. Hiện nay, gia đình anh Trương Duy Luých có 3 ao nuôi ốc bươu đen, với diện tích hơn 7 sào, mỗi năm thu nhập từ ốc bươu đen giống và ốc thịt khoảng 400 triệu đồng. Từ mô hình của anh Luých, nhiều hộ dân trong xóm, trong xã đã mạnh dạn học hỏi và thử nghiệm. Giờ đây những ao sình trong làng, trong xã đã trở thành các mô hình nuôi ốc bươu đen giúp bà con có thu nhập ổn định.
Với hơn 3500 m2 ao, trước đây gia đình anh Nguyễn Trọng Dũng (Nghĩa Hợp, Tân Kỳ) chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống. Năm 2020, trong khi đang trăn trở chưa tìm được hướng đi phát triển kinh tế cho gia đình, anh tình cờ xem được video hướng dẫn nuôi ốc bươu đen trên mạng xã hội. Nhận thấy, mô hình nuôi ốc bươu đen vừa ít chi phí vừa đem lại hiệu quả cao, kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp lại tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên nên anh đã quyết định mạnh dạn đặt mua 4 vạn con ốc giống với giá 400 đồng/con về nuôi.
Kết quả sau 5 tháng nuôi, với tỷ lệ sống 65%, mô hình của anh cho thu hoạch hơn 7 tạ ốc thương phẩm với giá bán 70.000 đồng/kg; sau khi trừ các khoản chi phí gia đình anh thu lãi từ 25 - 30 triệu đồng/1 vụ nuôi. Với hiệu quả kinh tế mang lại, anh quyết định mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm diện tích nuôi từ 500m2 lên 2000 m2 với quy mô 10 vạn con. Rút được kinh nghiệm từ vụ nuôi trước, vụ nuôi này anh chăm sóc ốc tốt hơn nên tỷ lệ ốc sống cao trên 70%, cho thu hoạch gần 2 tấn ốc thương phẩm với giá bán 70.000 đồng/kg sau khi trừ các chi phí như giống, thức ăn, công chăm sóc… mô hình của gia đình anh cho thu lãi ước đạt trên 100 triệu đồng. Bên cạnh nuôi ốc thương phẩm, anh đào thêm một ao để ấp trứng và phát triển con giống bán cho những người có nhu cầu nuôi. Hàng năm, từ việc bán ốc thịt và ốc giống gia đình anh thu lãi gần 150 triệu đồng.
Bài toán về đầu ra và quy hoạch
Thực hiện đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2023, xã Thanh Hà (Thanh Chương) đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm tại 4 hộ: Trần Văn Đường (xóm Xuân Hiền), Bùi Văn Đại, Nguyễn Văn Phùng, Nguyễn Quang Hà (xóm Ngũ Cẩm) với diện tích 4.000m2. Theo đó, các hộ thực hiện mô hình kết nối với một thương lái ở Nghi Phương (Nghi Lộc) để liên kết tìm kiếm đầu ra ổn định cho con ốc bươu đen. Theo đó, các hộ nuôi sẽ được thương lái đầu tư con giống, kỹ thuật nuôi; các hộ cải tạo ao, chăm sóc ốc theo đúng quy trình đã được hướng dẫn và đến khi thu hoạch, toàn bộ ốc thịt sẽ được bao tiêu toàn bộ với giá thị trường (cam kết không dưới 70.000 đồng/kg).
Ông Trần Văn Đường, xóm Xuân Hiền, xã Thanh Hà, một trong 4 hộ thực hiện mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm cho biết: “Với 1.000m2 ao, theo dự kiến sau 5 tháng sẽ cho thu hoạch khoảng 1 tấn ốc thịt, thương lái thu mua theo giá cam kết là 70.000 đồng/kg thì sẽ cho thu nhập 70 triệu đồng. Nuôi ốc, tận dụng thức ăn có sẵn như lá sắn, lá chuối, dây bầu bí… nên ít chi phí, có lãi hơn nuôi cá, nhất là không lo đầu ra khi ốc thịt đã được cam kết bao tiêu”.
Hiện, toàn huyện Thanh Chương đã xây dựng hàng chục mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm, quy mô từ 1000 – 5000 m2. Qua quá trình nuôi cho thấy, đây là hướng đi thích hợp để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Cùng với đó, huyện có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển mô hình; Hội Nông dân đã đồng hành với bà con từ khâu quy hoạch ao, quy trình kỹ thuật trong khâu chọn giống, chăm sóc, thức ăn, phòng trừ bệnh.
Trong thời gian qua nuôi ốc bươu đen đang là một hướng phát triển kinh tế mới của nông dân ở nhiều địa phương miền núi, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi này. Không chỉ ở Thanh Chương, hiện nay tại các huyện như: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ và các xã miền núi của Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu… mô hình nuôi ốc bươu đen cũng đang được bà con nhân rộng. Việc đưa ốc bươu đen làm đối tượng con nuôi để phát triển kinh tế là một hướng đi rất thiết thực và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cụ thể hóa Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, nhất là các địa phương miền núi.
Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, các cấp chính quyền, địa phương, ngoài việc hỗ trợ các mô hình nuôi ốc về con giống, khoa học kỹ thuật thì cần thiết có sự kết nối, liên kết, tìm kiếm đầu ra cho ốc bươu hàng hoá. Ví dụ như việc thành lập các tổ hợp tác nuôi ốc, thực hiện liên kết giữa các hộ nuôi với đầu mối thu mua, bao tiêu sản phẩm ốc thịt; nhân rộng các mô hình liên kết như xã Thanh Hà (Thanh Chương). Đồng thời, quy hoạch cụ thể diện tích nuôi tránh tình trạng “nhà nhà nuôi ốc, hồ hồ nuôi ốc”, dẫn đến cung vượt quá cầu, khó tiêu thụ và con ốc bươu sẽ rớt giá.
“Khoảng gần 1 tháng nữa, các mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm ở địa phương mới cho thu hoạch. Chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả thực tế của mô hình, tính khả quan trong liên kết tiêu thụ ốc hàng hoá rồi mới quyết định nhân ra diện rộng. Và khi đã xác định nhân rộng thì sẽ thành lập tổ hợp tác liên kết nuôi ốc bươu đen tập hợp các hộ nuôi ốc lại với nhau, liên kết từ con giống, chia sẻ kỹ thuật, kiến thức chăm sóc đến khâu tiêu thụ ốc”
Ông Nguyễn Khánh Thành, Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Hà (Thanh Chương) cho biết.